Nguyễn Ái Quốc làm báo tiếng Pháp
Văn hóa - Ngày đăng : 10:49, 20/06/2023
Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với cái tên mới là Văn Ba, trở thành phụ bếp trên con tàu Latouche - Tréville để từ đó bôn ba tìm đường cứu nước. Tuy nhiên, ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Pháp, là một trở ngại lớn trong bước đầu ra đi khám phá thế giới. Và, Nguyễn Tất Thành hiểu ngay rằng mình phải giao tiếp bằng tiếng Pháp để làm ăn sinh sống, để học tập và hoạt động chính trị.
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhà nho sa sút, chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực của người thân và những người lao động nghèo nên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc có động cơ rất lớn để học tập, tiếp thu kiến thức. Nguyễn học thông minh, sáng tạo. Trên chuyến tàu sang Pháp, Nguyễn tranh thủ lúc rảnh rỗi để học tiếng Pháp với hai người lính giải ngũ trở về Pháp. Họ cho Nguyễn mượn những cuốn sách nhỏ in bằng tiếng Pháp. Khi đến thành phố cảng Le Havre, Nguyễn học tiếng Pháp với cô Sen, một người Việt Nam định cư ở đó. Muốn biết một đồ vật trong tiếng Pháp gọi là gì, Nguyễn chỉ vật ấy rồi hỏi, xong viết vào mảnh giấy và dán vào chỗ thuận tiện để có thể vừa làm vừa học. Có khi viết chữ vào cánh tay, tối đi làm về rửa tay rồi lại viết các chữ khác. Học được chữ nào Nguyễn ghép câu dùng ngay.
Trong quá trình lao động, học hỏi và giác ngộ cách mạng, Nguyễn bắt đầu quan tâm, tìm hiểu một phương tiện thông tin phổ biến, nhiều tác dụng lúc bấy giờ là báo chí. Và thế là Nguyễn tranh thủ vừa tự học tiếng Pháp, vừa học làm báo.
Jean Laurent Frederick Longuet, cháu ngoại của Karl Marx, chủ nhiệm báo Dân chúng (Le Populaire), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp, đã khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết về Việt Nam. Nhưng lúc bấy giờ Nguyễn chưa thạo tiếng Pháp. Muốn viết gì Nguyễn phải nhờ luật sư Phan Văn Trường, một trí thức yêu nước ở Paris, nhưng ông này không muốn ký tên ở bài báo và nhiều khi cũng không diễn đạt hết ý mà Nguyễn muốn nói. Nguyễn Ái Quốc nghĩ: “Muốn tuyên truyền cho nước ta nhưng không viết được chữ Pháp, làm thế nào bây giờ? Nhất định phải học viết cho kỳ được”.
Nguyễn Ái Quốc làm quen với ông Gaston Monmousseau, chủ bút báo Đời sống thợ thuyền (La Vie Ouvrière). Nguyễn ngỏ ý muốn viết bài nhưng ngại tiếng Pháp còn kém. Chủ bút bảo: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài cho anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, 5 - 6 dòng cũng được”. Viết xong bài, Nguyễn chép thành hai bản, một bản giữ lại. Bài đầu tiên được đăng trên báo Đời sống thợ thuyền vào năm 1917, Nguyễn Ái Quốc rất vui mừng. Người so lại với bản thảo xem đúng sai chỗ nào, tòa báo sửa như thế nào. Sau này, khi thấy đã bớt sai, Gaston Monmousseau lại bảo: “Bây giờ anh viết dài một tí, độ 7 - 8 dòng”. Rồi cứ thế Nguyễn Ái Quốc viết được cả một cột báo, có khi dài hơn. Lúc ấy chủ bút lại bảo viết ngắn lại. Viết báo đã khó, viết ngắn gọn còn khó hơn, nhưng nhờ kiên trì rèn luyện nên Nguyễn Ái Quốc đã thành công.
Lần vui sướng thứ hai là khi mẩu chuyện về Paris được đăng. Hằng ngày, sau giờ làm việc, Nguyễn Ái Quốc thường đọc vài trang tiểu thuyết để trau dồi tiếng Pháp và giải trí một chút. Thấy Tolstoy viết giản dị, rõ ràng, Người rất thích và cũng viết một bài phóng sự về khu phố công nhân nghèo nơi mình ở. Sáng nào Người cũng viết từ 5h - 6h30 (do 7h đã phải đi làm), lúc ấy tiết trời rét buốt, ngón tay tê cóng. Sau một tuần cặm cụi, Người hoàn thành tác phẩm đầu tiên của mình. Người nói với anh em tòa soạn báo Nhân đạo (LHumanité) rằng: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết của tôi được đăng, tùy các đồng chí đăng hay không đăng, nhưng dù thế nào thì cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi...”.
Năm 1922, tờ Người cùng khổ (Le Paria) của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa ra đời. Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập báo. Vừa làm chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo, việc nào cũng đòi hỏi dùng nhiều tiếng Pháp. Trụ sở đầu tiên của báo ở số nhà 16 phố Jacques Calot, sau chuyển sang số nhà 3 phố Marché des Patriarches, một ngôi nhà cổ ở quận 6 Paris, và nơi đây cũng chính là trụ sở của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa.
Báo Người cùng khổ ra cả thảy 38 số. Báo có khổ lớn, trên manchette tên báo viết bằng chữ Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và chữ Hán bên phải (do Nguyễn viết). Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên báo Người cùng khổ khiến người đọc xúc động, mến phục. Đơn cử như bài “Động vật học” với giọng văn đả kích sâu sắc bọn thực dân, bài “Vĩnh biệt vị vua chúa” mỉa mai Khải Định lúc ông vua bù nhìn này sang dự hội chợ đấu xảo ở Pháp, bài “Con rùa” nói lên sự tham nhũng tàn bạo của một tên quan cai trị Pháp ở Việt Nam; “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu” mang tính chất một bút ký “viễn tưởng”… Có kỳ như số ra ngày l-8-1922 có đến 3 bài viết và 1 bức vẽ của Nguyễn Ái Quốc. Luật sư Max Clainville Bloncourt, người đảo Guadelupe, một thành viên trong Ban biên tập nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo. Anh viết khỏe, có số viết tới 2, 3 bài”, “Lời văn anh sắc bén, tư tưởng anh rõ ràng và mạnh mẽ”, “Xem và đọc những bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”.
Ngoài tờ Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc còn viết bài cho nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp nữa. Ví dụ, trên báo Nhân đạo, người ta thấy “Vấn đề bản xứ”, “Lời than vãn của bà Trưng Trắc, “Con người biết mùi hun khói”, “Vi hành”. Riêng bài “Vi hành (Incognito) đăng ngày 19-2-1923, tác giả viết đây là trích những bức thư gửi cô em họ do tác giả tự dịch bằng tiếng An Nam (tiếng Việt), nhưng “cô em họ” chỉ là một nhân vật ảo để dẫn chuyện, còn bài báo này ngay từ đầu đã được viết bằng tiếng Pháp.
Ngoài viết báo, thời kỳ này Nguyễn Ái Quốc còn viết sách. Cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” là tác phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội, nêu những việc thật người thật, dùng thuật “gậy ông đập lưng ông” - trích lời người Pháp viết để làm tang chứng. Sách được viết dưới hình thức tiểu phẩm, làm thành thiên phóng sự điều tra mở đầu cho một nền văn học mới ở Việt Nam. Cuốn sách là một văn kiện lịch sử, đồng thời cũng là tác phẩm văn học lớn bằng tiếng nước ngoài trong văn học sử Việt Nam.
Trong những năm tháng ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã diễn thuyết, nói chuyện, phát biểu ở nhiều nơi. Nhưng đáng chú ý nhất là phát biểu ở Đại hội Tua (1920) và tham luận về dân tộc và thuộc địa ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (1924). Hai lần phát biểu bằng tiếng Pháp đó chứng tỏ nhãn quan chính trị sâu sắc cũng như tài sử dụng ngoại ngữ của Nguyễn Ái Quốc. Khi đã trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người vẫn sử dụng tiếng Pháp ở nhiều nơi, nhiều lúc. Không chỉ thông thạo tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Hoa...
Giờ đây, để có thể trở thành nhà báo, các bạn trẻ phải trải qua 5 năm học ở trường đại học chuyên ngành báo chí. Và, để có thể viết báo bằng tiếng nước ngoài, cũng phải mất chừng ấy năm nữa học đại học chuyên ngành ngoại ngữ. Còn để trở thành tổng biên tập một tờ báo thì cần phải qua một hành trình dài với rất nhiều chứng chỉ, điều kiện khác. Vậy mà với Nguyễn Ái Quốc, chỉ qua một ngôi trường duy nhất, đó là trường đời. Rõ ràng, chỉ có tình yêu mãnh liệt với Tổ quốc, với dân tộc và khát vọng thay đổi mới có thể biến một phụ bếp trở thành chủ bút báo tiếng Pháp rồi trở thành nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, danh nhân văn hóa và lãnh tụ tối cao của một dân tộc làm nên những kỳ tích chấn động địa cầu trong thế kỷ XX.