Báo chí thế giới: Tăng tốc trong "cuộc đua" chuyển đổi số
Thế giới - Ngày đăng : 08:59, 20/06/2023
“Cuộc chiến sống còn” trong thời đại bùng nổ công nghệ
Cùng với tốc độ phát triển công nghệ thông tin, nhu cầu, xu hướng nắm bắt tin tức của người đọc cũng thay đổi từng ngày, cả về nội dung và cách tiếp cận. Điều này buộc các hãng thông tấn, báo chí phải lựa chọn giữa thay đổi mạnh mẽ hoặc bị loại bỏ khỏi “cuộc chơi”.
Cuộc “sàng lọc” diễn ra đầy khắc nghiệt. Theo nhật báo Guardian, năm 2004 Mỹ có 1.472 tờ báo địa phương phát hành hằng ngày và 7.419 báo cách nhật. Đến năm 2022, số lượng báo địa phương hằng ngày đã giảm còn 1.230, báo cách nhật chỉ còn 2.272. Trong giai đoạn này, ít nhất 2.514 tờ báo địa phương lỗ ròng, buộc phải đóng cửa hoặc sáp nhập vào các tờ báo khác. Nhiều tòa báo đã ngừng hẳn các ấn phẩm in, chỉ tập trung nguồn lực cho các ấn phẩm điện tử và kỹ thuật số. Gần đây nhất, cuối tháng 2-2023, Tập đoàn truyền thông Alabama đã thông báo dừng phát hành 3 ấn phẩm báo in The Birmingham News, The Huntsville Times và Mobile's Press-Register trong sự nuối tiếc của người dân. Nhiều người đã xếp hàng để mua tờ báo cuối cùng làm kỷ niệm. Cuối năm 2022, tòa báo Washington Post nổi tiếng ở Mỹ cũng dừng phát hành bản in Tạp chí Sunday. Dù đã tồn tại hơn 60 năm và giành nhiều giải thưởng danh giá, song Sunday vẫn không vượt qua được thách thức của thời đại công nghệ. Sally Buzbee, Tổng Biên tập của tạp chí cho biết, “những cơn gió ngược” về kinh tế là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định dừng phát hành ấn phẩm này.
Kể từ khi điện thoại thông minh ra đời, số lượng độc giả đọc báo in ngày càng giảm. Theo khảo sát của báo Sydney Morning Herald, trong năm 2022, số lượng người xem các tác phẩm số của báo này là hơn 7,5 triệu, lượng độc giả báo in chỉ khoảng 2 triệu người. Đa số độc giả báo in là người cao tuổi. Khảo sát do Viện Nghiên cứu báo chí Reuters thực hiện ở nhiều quốc gia cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ về số người đọc báo in so với việc tiếp cận thông tin qua điện thoại thông minh, ti vi, đài phát thanh.
Theo báo cáo "Xu hướng báo chí thế giới" của WAN-IFRA, những xu hướng báo chí thịnh hành hiện nay đều gắn một phần hay hoàn toàn với hoạt động chuyển đổi số như Content personalization (Cá nhân hóa nội dung), Multi-platform (Đa nền tảng), Mobile Media, Mobile Journalism (Báo chí di động), Social Media, Social Journalism (Báo chí xã hội), Data Journalism (Báo chí dữ liệu), Innovative Journalism (Báo chí sáng tạo), Global collaborative journalism (Hợp tác toàn cầu), Digital mega-stories (Siêu tác phẩm báo chí), Podcast (file âm thanh trên mạng)... Có tới 44% số người được khảo sát cho rằng, thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất mà các cơ quan báo chí cần phải thực hiện để phát triển và phải coi độc giả là trung tâm. Bởi vậy, chuyển đổi số là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí cần đi nhanh và quyết liệt để tồn tại.
Thành công cho những người chủ động trên “ghế lái”
Trước sự thay đổi mạnh mẽ trong xu hướng tiếp cận thông tin, nhiều cơ quan báo chí đã nhanh chóng triển khai chuyển đổi số để gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững. Họ mạnh mẽ thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, ứng dụng công nghệ để làm mới quy trình truyền thống trong sáng tạo và phân phối sản phẩm, dịch vụ báo chí.
Trong “cuộc đua” chuyển đổi số, nhật báo The Guardian được đánh giá là đang gặt hái thành công, nhận được sự ủng hộ từ người đọc của hơn 180 quốc gia. Trung bình mỗi năm, The Guardian có 16,4 tỷ lượt xem web. Số lượng tài khoản đăng ký mua đọc báo trực tuyến dài hạn gia tăng mạnh, khoảng 790 nghìn độc giả trả phí thường xuyên và 340 nghìn độc giả vãng lai. The Guardian cũng 4 lần được vinh danh là “Tờ báo của năm” tại Giải British Press Awards và là một trong những tờ báo thành công nhất hiện nay. Để đạt được thành tựu này, The Guardian đã phải thực hiện quyết liệt nhiều chiến dịch cải tổ để đưa ra nhiều ấn phẩm và mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Bộ phận quảng cáo The Guardian Advertising đã thành lập đội ngũ chuyên nghiệp để tiếp nhận các chiến dịch với yêu cầu cao, đáp ứng đầy đủ các yếu tố giúp mô hình truyền thông thành công. The Guardian Labs ra đời từ năm 2017, hiện có 62 nhân sự, với mục tiêu “mọi dự án của The Guardian Labs đều được thiết kế để phù hợp và nhắm trúng độc giả” - theo lời của Giám đốc phụ trách kinh doanh và chiến lược của Guardian Labs Adam Foley.
The Daily Telegraph hay còn được gọi đơn giản là The Telegraph cũng là tờ báo đi đầu trong chuyển đổi số tại Anh. The Telegraph hiện có 16 triệu người theo dõi trên tất cả các nền tảng mạng xã hội, với Facebook và Twitter là hai nền tảng chủ lực, trong khi Instagram và LinkedIn là những nền tảng ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy gia tăng số người đăng ký. Một trong những bí quyết để thu hút độc giả của The Telegraph là quản lý các bài đăng và tối ưu hóa thời gian để thu hút người dùng; lên lịch trước cho các bài đăng trong ngày và tập trung sự chú ý vào các sáng kiến khác liên quan đến tương tác. Để tối ưu hóa cả hai điều trên, The Telegraph sử dụng Echobox - một giải pháp truyền thông xã hội sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các nhà xuất bản đạt được phạm vi tiếp cận xã hội lớn hơn và tự động hóa hoạt động truyền thông xã hội của họ.
Tại Mỹ, New York Times cũng gặp khó khăn khi doanh thu báo giấy giảm rõ rệt. Từng bị mỉa mai là "kẻ thất bại" nhưng tờ báo này đã lội ngược dòng ngoạn mục nhờ chính sách chuyển đổi số đúng đắn. Thay đổi bắt đầu dựa trên các thông tin và dữ liệu có được về độc giả, từ đó cải tạo lại giao diện, phương thức trình bày, tích cực thử nghiệm những sản phẩm mới. Để làm được điều này, lãnh đạo New York Times đã đẩy mạnh cải thiện cơ sở vật chất để phục vụ tốt nhất cho nội dung, giúp hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo của nhà báo. Ngoài ra, New York Times phát triển rất nhiều phần mềm ứng dụng, trong đó, ứng dụng đáng chú ý là NYT Now. Đây là phiên bản trên thiết bị di động của tờ NYT nhưng không đưa lên đầy đủ các bài viết (30/200 bài viết so với bản chính thức). Mặc dù ứng dụng này không thành công về mặt kinh doanh nhưng nó đánh dấu việc New York Times là tờ báo tiên phong trong việc số hóa nội dung trên thiết bị di động. Bên cạnh NYT là ứng dụng Cooking - cung cấp hàng ngàn công thức nấu ăn dành cho các độc giả yêu thích ẩm thực và nấu nướng. Ứng dụng này đã giúp họ thu hút những người sử dụng tiềm năng bên cạnh các độc giả của mảng tin tức.
Để tăng cường số lượng độc giả, New York Times đã tận dụng sức mạnh của Facebook, Facebook Live và Snapchat để lan truyền nội dung thông qua các định dạng hiện đại như VR (thực tế ảo), AI, và video 360, mang đến trải nghiệm công nghệ mới mẻ cho người xem. New York Times cũng đã ra mắt một podcast tin tức là The Daily. Với các chiến dịch tiếp thị The Daily hoành tráng trên YouTube, Hulu và Spotify, podcast này đã đạt được 40 triệu lượt tải về trong 3 tháng đầu tiên và có 5 triệu người nghe hằng tháng, được phát trên 30 đài phát thanh trên toàn nước Mỹ.
Tại Nhật Bản, phần lớn các cơ quan báo chí ở đều đã ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động tác nghiệp, sản xuất và xử lý thông tin. Ðài truyền hình NHK đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ việc sản xuất chương trình nhằm nhanh chóng cung cấp thông tin bằng nhiều ngôn ngữ cho người nước ngoài, nhất là trong trường hợp xảy ra thiên tai như động đất, sóng thần hay bão lũ. Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí ở Nhật Bản đã sử dụng công nghệ mới để phân tích nhu cầu thông tin và phản ứng của độc giả nhằm nắm bắt nhu cầu thông tin của xã hội, từ đó sản xuất các sản phẩm phù hợp thị hiếu của độc giả. Trong bối cảnh số lượng phát hành báo in và lượng khán giả xem truyền hình đang giảm, các cơ quan báo chí ở Nhật Bản đã thay đổi phương thức phát hành theo hướng đầu tư nhiều hơn cho các website và ấn phẩm trực tuyến. Một số cơ quan khác như Nikkei Inc. hay nhật báo Yomiuri đã phát triển báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng sức hút với độc giả.
Từ những hình mẫu báo chí đã thực hiện chuyển đổi số thành công, nhiều nhà phân tích cho rằng, chuyển đổi số không chỉ bắt đầu từ vấn đề công nghệ mà còn bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy của những chủ báo. Chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên. Ngoài ra, tương lai của mỗi tờ báo tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy doanh thu, mang lại sự ổn định cho tờ báo.