Làm báo trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) tại Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 08:50, 20/06/2023

(HNNN) - Giai đoạn 1936 - 1939, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền, thi hành một số chính sách tiến bộ, có lợi cho nhân dân các nước thuộc địa. Tranh thủ thời cơ này, tại miền Bắc, các nhà báo cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu... đã nhóm họp để xuất bản một số tờ báo, đặc biệt là tờ Tin Tức (năm 1938).

Các nhà báo Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long... tại trụ sở báo Tin tức ở Hà Nội, năm 1938 (ảnh trái) và báo Le Travail số ra ngày 6-11-1936 (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) 

Nhóm nhà báo cộng sản công khai

Trần Huy Liệu là một trong số những nhà báo góp mặt sớm trong phong trào hoạt động công khai của Mặt trận Dân chủ. Ban đầu ông làm báo Hồn Trẻ, sau khi tờ này bị đình bản thì ông cùng một số nhà báo, giáo sư trường Thăng Long xuất bản báo Le Travail (Lao Động), số đầu ra ngày 16-9-1936. Trụ sở của báo đặt tại Hà Nội, cụ thể khi đó là phố Phạm Phú Thứ. Đây là tờ báo Pháp ngữ đầu tiên ở miền Bắc, là vũ khí đấu tranh của nhóm nhà báo cộng sản, không những đấu tranh trực tiếp với thực dân Pháp mà còn có tầm ảnh hưởng trong giới trí thức đương thời. Trong hồi ký, nhà báo Trần Huy Liệu viết: “Chủ nhiệm tờ báo là anh Nguyễn Văn Tiến. Quản lý là Trịnh Văn Phú. Hai ngòi bút chính của báo là anh Võ Nguyên Giáp và Huỳnh Văn Phương. Anh Giáp vừa viết bài, vừa rút tiền lương tháng ra góp tiền in tờ báo... Lúc đầu, trong nhóm Le Travail cũng chưa thành lập đảng đoàn của Đảng. Chúng tôi chỉ biết hăng hái làm việc, theo đường lối của Mặt trận Bình dân. Về sau này, do sự vận động của nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam, một số lớn chính trị phạm thoát ra khỏi các nhà tù thì nhóm Le Travail càng thêm lớn và trong nhóm, những người cộng sản đã trở thành hạt nhân với đường lối chính trị rõ rệt”.

Những nhà báo cách mạng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ còn xuất bản tờ Tân xã hội do Vũ Đình Huỳnh làm quản lý, tuy nhiên, báo này ra đến số 2 thì bị thu giấy phép. Tờ Nhành Lúa xuất bản ở Huế do nhà báo Hải Triều làm chủ bút, là tờ báo về canh nông nhưng toàn đề cập tới chính trị, và rồi cũng bị thực dân Pháp bóp nghẹt.

Sau khi Luật Ân xá chính trị phạm của chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp ban hành tại Đông Dương, nhiều chiến sĩ cộng sản từ nhà tù trở về như Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... nhập vào nhóm Le Travail. Nếu trước kia phạm vi hoạt động của nhóm thường chỉ trong giới nhân sĩ trí thức thì lúc này đã bắt đầu đi vào quần chúng công, nông, tiểu thương. Tuy nhiên, tờ báo Le Travail cùng với phong trào đang phát triển mạnh thì bị đóng cửa do không có tiền bồi thường khi bị kiện ra tòa (để đàn áp tự do ngôn luận, chính quyền thực dân cho phép người bị tờ báo phản ánh được kiện đòi bồi thường danh dự).

Sau khi Le Travail bị đóng cửa, nhóm nhà báo cộng sản lại xuất bản một số tờ báo, trong đó có Rassemblement (Tập hợp), nhưng không có ảnh hưởng sâu rộng. Các nhà báo thấy rằng cần có những tờ báo in chữ Quốc ngữ để đi thẳng vào đại chúng, thúc đẩy phong trào phát triển, do đó họ chia nhau ra làm các báo Thời thế, Bạn dân, En avant (Tiến về phía trước), tuy nhiên cả ba tờ này cũng chưa có đường lối đấu tranh rõ ràng. Bối cảnh đó đòi hỏi phải có một tổ chức chặt chẽ hơn, do một chi bộ thống nhất của Đảng chỉ đạo.

Tin tức - tờ báo công khai của Đảng

Theo nghị quyết Hội nghị Trung ương mở rộng tháng 2-1937 và tháng 3-1938, báo Tin tức, tờ báo công khai của Đảng xuất bản số 1 ngày 2-4-1938, do Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) trực tiếp chỉ đạo và chủ bút là Trần Huy Liệu. Trụ sở báo ở số nhà 105 phố Henri dOrléan, Hà Nội (nay là phố Phùng Hưng), tòa soạn tập trung toàn những cây bút báo chí cách mạng nổi tiếng như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long, Đào Duy Kỳ, Trần Đình Tri, Trần Đức Sắc, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Thượng Khanh.

Khác với những lần ra báo trước, báo Tin tức được tổ chức chặt chẽ hơn. Trước đó các nhà báo làm việc không có lương, không có phụ cấp thì lần này, ban trị sự trả phụ cấp 4 đồng/tháng, nhưng không phải ai cũng được. Nhà báo Khuất Duy Tiến có người chị nuôi giàu có thì không những không nhận phụ cấp mà còn góp thêm cho tòa soạn để trả tiền in báo. Nhà báo Trường Chinh dạy tư cho mấy học sinh Hoa kiều cũng không nhận phụ cấp. Nhà báo Trần Huy Liệu có phần éo le hơn: “Lúc ấy, tôi có vợ và ba con, với số 4 đồng bạc phụ cấp nhất định không đủ sống, may được các anh em khác bù cho, cộng mỗi tháng cũng được 17 đồng tạm sống. Lúc đầu, nhà tôi ở bãi Phúc Xá, vì thuê nhà gianh lại ở ngoài bãi thì được rẻ tiền hơn. Mùa nước, hằng ngày đi về tôi phải lội qua một quãng đường ngập, cứ đến chỗ cột đèn là dừng lại, cởi quần dài ra, rồi sang bờ đường bên kia lại mặc lại. Mãi sau mới “tiến” được vào ở trong thành phố, nhưng mặc dầu ở chui rúc một xó nhà nào, chủ nhà biết rồi thì cũng không muốn cho thuê, cả người ở chung cũng không muốn ở chung, vì bị mật thám rình mò những người qua lại nhà, làm phiền nhiễu đến họ…” (“Hồi ký Trần Huy Liệu”, NXB Khoa học xã hội, năm 1991).

Trong hồi ký “Nhân dân ta rất anh hùng” của nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt (NXB Văn học, năm 1960), mảng hoạt động báo chí thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đặc biệt là quá trình làm báo Tin tức, được khắc họa khá chi tiết. Cuối tháng 11-1936, Hoàng Quốc Việt được ân xá. Rời nhà tù Côn Đảo, ông liền ra Hà Nội liên lạc với các đồng chí Trần Huy Liệu, Trần Đình Long, Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Trường Chinh... Họ chia nhau ra làm hai nhóm: Một nhóm nửa công khai, một nhóm bí mật hoạt động. Hoàng Quốc Việt trong nhóm nửa công khai cùng với Trường Chinh, người phụ trách các báo của Đảng. Từ năm 1937, đồng chí Trường Chinh phụ trách chính trị tất cả các cơ quan ngôn luận của Đảng ở Bắc Kỳ. Trong hồi ký, Hoàng Quốc Việt viết: “Một ngày cuối năm 1937, tôi đến thăm anh Trường Chinh bị đau phổi nằm ở nhà thương Bạch Mai. Anh em gặp nhau là bàn về phong trào. Chúng tôi nhận thấy sách báo của ta tuy ra nhiều nhưng số độc giả là công nhân, nông dân và những tầng lớp lao động khác còn chiếm một tỷ lệ rất ít vì đại đa số anh chị em này đều không biết đọc, biết viết. Để giải quyết vấn đề khó khăn ấy, hai anh em nảy ra ý kiến cử anh Phan Thanh đến mời cụ Nguyễn Văn Tố đứng ra xin lập Hội Truyền bá Quốc ngữ”.

Được làm báo công khai của Đảng ở giữa lòng Hà Nội, nhóm nhà báo Tin tức cảm thấy tự hào, phấn chấn hơn bao giờ hết. Công nhân nhà in cũng hết sức chăm lo cho tờ báo, cố gắng làm mọi cách để ngăn chặn sự phá hoại của thực dân Pháp và chủ nhà in. Đây cũng là lần đầu tiên tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam có tiếng nói của mình trên báo chí công khai. Vì vậy, trụ sở báo Tin tức còn là nơi tiếp xúc với đại biểu các đoàn thể nhân dân đến hỏi ý kiến về tổ chức và đấu tranh. Đây là công tác nửa công khai nửa bí mật, do Hoàng Quốc Việt phụ trách. Còn Trần Huy Liệu là người đại diện về danh nghĩa và là người phát ngôn chính thức. Công nhân đến hỏi về các tổ chức ái hữu, rồi thì nên đặt khẩu hiệu đấu tranh như thế nào... Các phụ nữ tiểu thương, học sinh, sinh viên... đến nhờ tòa báo bênh vực quyền lợi của mình. Nông dân ở Phúc Yên, Thái Bình, Nam Định cũng tìm tới tòa soạn. Chính sự liên hệ khăng khít giữa các nhà báo và quần chúng làm cho báo chí cách mạng càng có thêm sức mạnh, tiến bộ rõ rệt so với trước đó.

Những tờ báo tiến bộ, cách mạng ra đời trong giai đoạn 1936 - 1939 là nguồn cổ động lớn lao, góp phần cho sự ra đời, phát triển của Mặt trận Dân chủ Đông Dương và đả kích, đấu tranh mạnh mẽ với bè lũ thực dân và tay sai. Mỗi bài viết, tin tức trên báo đều thấm nhuần đường lối, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, chính sách của Đảng, gắn chặt Mặt trận Dân chủ với quần chúng, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, mở ra một thời kỳ mới của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Lãng Nhân