Bước kiến tạo lòng tin
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 20/06/2023
Phái đoàn châu Phi đến từ 7 quốc gia bao gồm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Comoros Othman Ghazali, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly và các quan chức cấp cao của Cộng hòa Congo và Uganda. Họ đã đến St.Petersburg để gặp Tổng thống Vladimir Putin, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev hôm 16-6.
Trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Nga kéo dài hơn 3 giờ, phái đoàn ngoại giao châu Phi đã kêu gọi Nga và Ukraine cùng ngồi vào bàn đàm phán để sớm chấm dứt xung đột. Theo đề xuất kế hoạch hòa bình của phái đoàn châu Phi, hai bên nên tập trung vào 10 điểm chính, gồm: Lắng nghe quan điểm của các quốc gia; bắt đầu đàm phán ngoại giao càng sớm càng tốt; bắt đầu giảm leo thang xung đột từ cả hai phía; bảo đảm chủ quyền quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên hợp quốc; bảo đảm an ninh cho tất cả các quốc gia; bảo đảm việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của cả hai nước; hỗ trợ nhân đạo cho những người đã trở thành nạn nhân của cuộc xung đột; giải quyết vấn đề trao đổi tù binh chiến tranh và trao trả trẻ em; tái thiết sau chiến tranh và hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh; hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Phi.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Nga, người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa - Trưởng phái đoàn thúc đẩy hòa bình giữa Ukraine và Nga nhấn mạnh rằng, họ đến cả Nga và Ukraine với một thông điệp duy nhất là cuộc xung đột giữa hai bên sẽ chấm dứt.
Đáp lại thông điệp trên, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga đánh giá cao sự quan tâm, cách tiếp cận cân bằng của những người bạn châu Phi liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga tôn trọng lập trường của các nhà lãnh đạo châu Phi, những người nói về sự cần thiết của một giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột. Trước đó, trong cuộc gặp với phái đoàn châu Phi, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đánh giá cao đề xuất của phái đoàn, đồng thời mời các nhà lãnh đạo châu Phi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình toàn cầu trong thời gian tới.
Đây là lần đầu tiên châu Phi tham gia vào các nỗ lực hòa giải xung đột Nga - Ukraine kể từ khi giao tranh giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2-2022. Sứ mệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với châu lục vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón từ Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, cơ hội cho các cuộc đàm phán hòa bình dường như vẫn “mờ nhạt” khi Kiev và Mátxcơva có quan điểm khác biệt. Ukraine yêu cầu Nga rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng như một điều kiện để đàm phán hòa bình. Ngược lại, Điện Kremlin muốn Ukraine công nhận bán đảo Crimea mà Mátxcơva đã sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, là một phần của Nga và thừa nhận những lợi ích về đất đai khác mà quốc gia này đã đạt được. Cuối tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất hòa bình, nhưng Ukraine và các đồng minh phương Tây bác bỏ kế hoạch này và các bên vẫn chưa thể tiến gần hơn tới một lệnh ngừng bắn.
Bằng cách cùng nhau đưa ra sáng kiến hòa bình, các nhà lãnh đạo châu Phi đang nỗ lực nâng cao vị thế của họ trên trường quốc tế. Do đó, với lập trường trung lập được thể hiện trong suốt hơn một năm qua, vai trò hòa giải của các quốc gia châu Phi được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả.