Những cuộc "trường chinh" đầy gian khổ của báo Cứu Quốc

Văn hóa - Ngày đăng : 06:12, 20/06/2023

(HNM) - Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), cũng như nhiều cơ quan đầu não khác, báo Cứu Quốc chuyển lên Chiến khu Việt Bắc, bắt đầu chuỗi ngày làm báo đầy gian khổ nhưng hào hùng, hừng hực khí thế đấu tranh cách mạng.

Báo Cứu Quốc số ra ngày 1-5-1950.

Cách mạng Tháng Tám thành công, báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, đóng trụ sở tại nhà số 114 phố Hàng Trống, Hà Nội (nay là số 44 Lê Thái Tổ - trụ sở Báo Hànộimới). Nhưng chưa được bao lâu thì kháng chiến bùng nổ, báo Cứu Quốc rời Thủ đô, lúc đầu đóng ở Viên Nội, nằm sát đê sông Đáy, cách Hà Đông không xa.

Khi quân Pháp đánh ra ngoại thành Hà Nội, tòa soạn báo chuyển đến Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Đây cũng là cơ sở cũ của Báo Cứu Quốc trong thời kỳ bí mật. Những số báo kháng chiến đầu tiên, ngoài phần gửi đi một số địa phương, anh em trong tòa soạn chia nhau đem đi bán ở các vùng xung quanh. Thị trấn Vân Đình tập trung nhiều người Hà Nội tản cư nên đồng bào mua báo rất đông. Ai cũng muốn biết cuộc kháng chiến diễn ra thế nào, chủ trương của Chính phủ ta ra sao... Báo Cứu Quốc, tờ báo duy nhất xuất bản hằng ngày lúc này có tác dụng vô cùng to lớn. Cùng với công tác tuyên truyền, nhất là các đội tuyên truyền xung phong, tờ báo góp phần dần ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, củng cố quyết tâm kháng chiến, lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Chính phủ.

Tháng 3-1947, nghe tin Pháp đánh ra Sấu Giá (Hoài Đức) và khu vực chùa Trầm (Chương Mỹ), cơ quan báo Cứu Quốc khẩn trương di chuyển trang thiết bị đến thị xã Phú Thọ. Tại đây, cuối tháng 3-1947, Chủ nhiệm Xuân Thủy đã triệu tập các cán bộ chủ chốt của báo Cứu Quốc bàn việc thành lập chi nhánh ở các khu kháng chiến.

Cán bộ, nhân viên báo Cứu Quốc di chuyển máy móc, thiết bị, vật tư đến địa điểm mới tại chiến khu Việt Bắc.

Ở Phú Thọ, cơ quan báo Cứu Quốc đóng tại hai nơi, tòa soạn và nhà in ở Hạ Giáp (huyện Phù Ninh), bộ phận trị sự ở ven thị xã, trong nhà dân. Nhưng chưa được bao lâu, do địch đánh phá, uy hiếp Phú Thọ nên Báo Cứu Quốc lại chuyển lên Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Lúc này giấy in bắt đầu khó mua hơn, dầu máy cạn dần, những chiếc máy in ty-pô to phải lắp vòng quay để công nhân thay nhau đứng quay.

Cuối tháng 6-1947, báo Cứu Quốc lại chuyển từ Tuyên Quang lên Bắc Kạn. Công việc chuyển thiết bị máy in, toàn bộ kho dự trữ giấy và vật tư được thực hiện rất khẩn trương với hàng chục chuyến ô tô, kéo dài mấy tuần liền. Hành trình dài, vất vả, gian nan hơn trước nhiều. Khi mới đến bản Khuổi Khún, có những tối cả cơ quan kéo nhau lên nương, trên sườn núi, chùm chăn dựa vào gốc cây ngủ ngồi. "Có lần giữa ban ngày nghe tiếng súng gần quá, mọi người đang làm việc vội thu dọn để chạy. Đã phân công trước, đồng chí Trần Đình Thọ vác hòn đá in ly tô, đồng chí Cảnh mang máy chữ, đồng chí Tiêu mang đài thu thanh, những đồng chí khác mang đồ dùng, sổ sách, tài liệu... Chạy được một quãng, giấu vội các thứ vào bụi cây ở chân núi, mọi người leo ngược lên dốc. Một lát chúng quay ra. Cơ quan Báo Cứu quốc lại xuống núi trở về". (Trích “Hồi ký báo Cứu Quốc 1942 - 1954” của nhà báo Nguyễn Văn Hải).

Trong hồi ký của mình, nhà báo Xuân Thủy kể về một lần "chạy giặc" ở Bắc Kạn như sau: "... Hai người (nhà báo Xuân Thủy và đồng chí bảo vệ) cứ đi, loanh quanh đến quá 12 giờ trưa mà không tìm được lối ra, cứ leo hết dốc núi này lại đến ngọn đồi khác. Chiều đến, vừa đói, vừa mệt, hai người đành đi hái ổi xanh để ăn. Gió hiu hiu, nằm trên bãi chúng tôi thiếp đi một giấc ngon lành. Khoảng bốn giờ chiều, tôi trở dậy, thấy quần áo mình đỏ lòm, thì ra vắt đã chui vào người cắn no nê. Xuống suối giặt quần áo, tắm rửa, rồi lại tiếp tục đi...".

Cuộc di chuyển sau đó từ Bắc Kạn xuống Bắc Giang với gần 100 người đi bộ, khuân vác, gồng gánh đồ đạc cồng kềnh là một hành trình phức tạp và nguy hiểm bởi những trục đường chính bị địch chiếm đóng, chỉ còn cách leo ngược những sườn núi, những con dốc để đến được địa điểm dự kiến. Đi bộ một mình đã khó, vậy mà những con người nhỏ bé kiên cường này còn phải gánh máy móc, thiết bị, vật tư. Hình ảnh những công nhân già như ông Đính, ông Sách chống gậy vượt đèo, hay em Cầu liên lạc mới hơn 10 tuổi nhưng rất được việc, nhà báo Văn Tân không đi bộ được phải có người cõng... đã cho thấy sự gian khổ, hiểm nguy của mỗi lần chuyển địa điểm, thế nhưng, vượt lên tất cả là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, là quyết tâm, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên của Báo đối với sứ mệnh được giao phó.

Chưa “ấm chỗ” được bao lâu thì đầu năm 1948, địch chuyển hướng chiến lược, củng cố vùng chiếm đóng, có lần chúng đánh lên Nhã Nam, Cầu Gỗ, lăm le tiến sâu hơn nữa, vì vậy báo Cứu Quốc lại phải di chuyển. Chỉ để một bộ phận nhỏ ở Đèo Bụt, còn cả cơ quan chuyển sang thôn Cao Báng, lùi vào trong và ngược lên trên ngót chục cây số. Lại trèo đèo, lội suối. Người thể lực yếu như Nam Cao, Trần Đình Thọ, Tô Ninh... phải khom lưng, oằn mình dưới đòn khiêng nặng trĩu, nhiều người lấy áo quần để lót vào vai cho đỡ đau... Đến nơi dự kiến, chuẩn bị làm nhà đặt máy in thì được tin quân địch rút, cán bộ, nhân viên tòa soạn lại phải khiêng vác trở lại khu rừng cũ. Phải “chạy” như thế vài lần nữa nhưng vẫn đảm bảo báo ra hằng ngày, và thời gian “đứng chân” ở quanh vùng này cũng khá lâu, tới hơn 2 năm.

Cán bộ, nhân viên báo Cứu Quốc tại Thái Nguyên, năm 1950. Ảnh: Tư liệu

Để mỗi lần di chuyển hạn chế tối đa thương vong và thiệt hại về tài sản, công lớn thuộc về Chủ nhiệm Xuân Thủy, người chỉ huy tài ba với những nước đi chiến lược, phù hợp với tình hình. Cũng không thể không nhắc đến nhà báo Nguyễn Văn Hải, người quản lý báo đã đứng ra phân công cụ thể từng việc với từng nhóm: Vận chuyển thiết bị, vật tư, tài liệu, lo việc cơm nước, giúp đỡ các đồng chí già yếu, người bị bệnh, bị thương...

Từ năm 1950, báo Cứu Quốc chuyển về đóng tại Thái Nguyên và Tuyên Quang, gần Tổng bộ Việt Minh và nhiều cơ quan đầu não của Chính phủ. Kể từ đây, cơ quan báo ít phải chuyển địa điểm. Tòa soạn đóng ở thôn Roòng Khoa (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) trên một quả đồi thấp giữa một thung lũng hẹp.

9 năm kháng chiến trường kỳ với biết bao gian khổ, hy sinh, Báo Cứu Quốc đã tô thắm tên mình vào trang sử vẻ vang, hào hùng của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tờ báo đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, thực sự trở thành cầu nối cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân.

Thành Nam