Không quy định giá sàn với mặt hàng sách giáo khoa

Tài chính - Ngày đăng : 15:21, 19/06/2023

(HNMO) - Chiều 19-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Dự thảo trình Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 75 Điều, trong đó, Luật quy định 9 loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm: Xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm; phân DAP; phân NPK; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Đáng lưu ý, dự thảo Luật không quy định các mặt hàng “thịt lợn” tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa; dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải được giao cho Bộ Giao thông Vận tải định giá tối đa. Đồng thời, dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được giao cho Bộ Y tế định giá tối đa, UBND cấp tỉnh định giá cụ thể; sách giáo khoa được giao cho Bộ Giáo dục và Đạo tạo định giá tối đa.

Điện (bán lẻ, bán buôn); các dịch vụ về điện theo quy định của Luật Điện lực bao gồm: Dịch vụ phát điện, dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện, dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phân phối điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi), về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế; việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu, đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành; khi chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần; để một mặt bảo đảm quyền chủ động của các hãng hàng không, song mặt khác vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân thì Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa với tính chất là công cụ quản lý nhà nước về giá nhằm bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường, giữ được cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về việc chỉ quy định giá trần và không quy định giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Hiện nay, trong phương pháp tính giá sách giáo khoa, các nhà xuất bản cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao (năm học 2022-2023, mức chiết khấu là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa) dẫn đến đẩy giá sách lên cao so với thu nhập của nhiều người dân. Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho biết, việc không quy định giá sàn là hợp lý vì đây là mặt hàng có tính đặc thù, đối tượng tiêu dùng mang tính bắt buộc, trong đó có cả đối tượng yếu thế. Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Chính phủ không đề xuất quy định giá sàn cho nên chưa đánh giá tác động nếu quy định giá sàn đối với sách giáo khoa.

Ngoài ra, sách giáo khoa là mặt hàng đa dạng về chủng loại, lại tiêu dùng trên phạm vi cả nước, việc tính toán mức giá sàn phù hợp cho từng loại sách và phải phù hợp với mọi khu vực khác nhau là khó khả thi.

Mai Hữu