Đánh giá tác động về việc người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Bất động sản - Ngày đăng : 11:21, 19/06/2023

(HNMO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 19-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ thống nhất với dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, song đề nghị cần giải trình, đánh giá tác động rõ ràng hơn các quy định liên quan đến vấn đề về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại hội trường sáng 19-6.

Vấn đề nhạy cảm cần cân nhắc thận trọng

Liên quan đến vấn đề về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam tại Điều 19, Điều 20 và Điều 22 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất hay không. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Khoản 1, Điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).  

Liên quan đến nội dung này, tại Điểm C, khoản 1, Điều 19 của dự thảo Luật quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; trong khi đó, tại khoản 3, Điều 21 cũng quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở đối với cá nhân người nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, quy định như vậy cần phải nghiên cứu, cân nhắc. Đặc biệt lưu ý đến việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không? Việc quy định như dự thảo Luật có xung đột với các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không? 

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu Đoàn Đà Nẵng, để bảo đảm tính khả thi, nội dung này cần phải được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và thống nhất, đồng bộ các quy định về chính sách đất đai, bất động sản, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng… Bên cạnh đó, về quy định cá nhân, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã được phép mua nhà đất, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hằng năm số lượng rất nhiều, do vậy, đề nghị cần phải cân nhắc một cách thận trọng. Theo đại biểu, nên chăng, chỉ quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu.

Đại biểu Đoàn Đồng Tháp cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài. Thời gian qua, dư luận rất phản ứng đối với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thu mua nhiều đất đai. Từ thực tế trên, đại biểu cho rằng, chúng ta nên có giới hạn về thời hạn sử dụng…

Hạn chế người nước ngoài đầu cơ, tích tụ nhà ở

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, quy định của dự thảo Luật hiện tại chưa phù hợp với pháp luật về lưu trú của công dân và cũng không phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, liên quan đến quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam. Theo đó, cá nhân, người nước ngoài được mua, thuê, nhận, tặng, thừa kế và sở hữu 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Theo đại biểu, quy định số lượng như vậy là quá lớn, có thể dẫn đến việc tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài có điều kiện kinh tế đầu cơ, tích tụ nhà ở tại Việt Nam, lũng loạn thị trường về giá trong khi người Việt Nam thực sự có nhu cầu, khó tiếp cận nhà ở.

Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) phát biểu.

“Để đảm bảo phù hợp hơn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách quyền sở hữu, số lượng sở hữu của nhà thầu, của tổ chức, số lượng sở hữu nhà của cá nhân vì nhu cầu của tổ chức và cá nhân khác nhau. Đồng thời, đối với cá nhân, đại biểu cho rằng, cần phải đánh giá, xem xét nhu cầu thực sự”, đại biểu Bế Minh Đức kiến nghị.

Trong dự thảo Luật, điều 22 về điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nêu rõ, đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 21 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan. Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 21 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm C, khoản 1, Điều 21 của Luật này thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Đình Hiệp