Nhiều công trình thủy lợi tiếp tục bị xâm hại

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:45, 19/06/2023

(HNM) - Dù đang là giai đoạn cao điểm chống hạn vụ mùa và bước vào mùa mưa lũ năm 2023, nhưng nhiều công trình thủy lợi của thành phố Hà Nội tiếp tục bị xâm hại. Điều đáng bàn là mức độ, quy mô đang ngày càng gia tăng đòi hỏi sự sâu sát, kiên quyết xử lý hơn nữa của cơ quan chức năng, nhất là chính quyền cơ sở.

Công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ đo đạc, xác định quy mô công trình vi phạm kênh tiêu K4 tại xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ).

Hồ thủy lợi Lập Thành có dung tích trữ 511.000m3 làm nhiệm vụ phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, trữ nước tưới cho 40ha sản xuất nông nghiệp của xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai). Tuy nhiên, ngày 29-5 vừa qua, công trình này đã bị 2 hộ dân xâm hại với các hành vi: Đổ đất, san nền, xây nhà ở, bể bơi, trồng cây trong vùng phụ cận và thân đập với quy mô hơn 900m2. Điều đáng nói, huyện Quốc Oai chưa xử lý triệt để nhiều vụ xâm hại hồ đã xảy ra trước đó.

Tương tự, các hồ: Ngải Sơn, Xuân Khanh (ở xã Sơn Đông, Kim Sơn và phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây) bị 6 hộ dân xâm hại đập, lòng hồ với những hành vi đóng cọc bê tông, cọc tre, đào đắp đất, san nền làm nhà kết cấu khung thép lợp mái tôn, quy mô vi phạm 170-600m2. Không riêng hồ, đập, nhiều tuyến kênh, sông là trục tưới, tiêu chính thuộc địa phận các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín... cũng đang bị xâm hại. Đơn cử tại xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín), một hộ dân có hành vi đổ cát vào lòng kênh tiêu Cống Xuyên 1 với diện tích vi phạm 360m2. Tại xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), người dân đóng 27 cọc bê tông, đổ phế thải xây dựng lấn vào lòng sông Nhuệ với chiều rộng 5m, dài 20m. Tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), người dân lấn chiếm 68m2 lòng sông Nhuệ để dựng khung sắt làm nhà trồng cây...

Thống kê của các tổ chức thủy lợi cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 131 vụ việc vi phạm pháp luật thủy lợi với những hành vi: Đóng cọc, đổ đất, san nền, xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, dựng lều lán, trồng cây xanh… vào công trình và vùng phụ cận bảo vệ công trình thủy lợi. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhưng đến thời điểm này, các địa phương mới xử lý, giải tỏa 38 vụ phát sinh trong năm 2023 và những năm trước; chưa xử lý dứt điểm, tồn đọng 89 vụ. Địa phương để xảy ra nhiều vi phạm, chưa xử lý dứt điểm là huyện Thường Tín, thị xã Sơn Tây...

Những vi phạm chưa xử lý dứt điểm không chỉ cản trở dòng chảy, giảm dung tích trữ nước, mà còn đe dọa an toàn đập hồ gây nguy hiểm cho hàng trăm nghìn cư dân, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ du của các địa phương trong mùa mưa lũ...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải cho biết, do không có chức năng xử lý, nên khi phát hiện vi phạm, đơn vị chỉ có thể lập biên bản, thiết lập hồ sơ, kiến nghị chính quyền địa phương xử lý.

Liên quan vấn đề này, đại diện các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Thường Tín, Chương Mỹ... cho rằng, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn chưa được cắm mốc giới phạm vi bảo vệ, gây khó khăn trong việc xác định phạm vi và diện tích vi phạm. Hơn nữa, “các tổ chức thủy lợi và chính quyền cấp xã chưa kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ khi phát sinh, đẩy trách nhiệm xử lý vi phạm lên cấp huyện; trong khi đó, để cưỡng chế vi phạm pháp luật về thủy lợi cần rất nhiều thủ tục hành chính...”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình đánh giá.

Để sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ mùa, phòng, chống úng ngập trong mùa mưa lũ năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các tổ chức thủy lợi phối hợp với các cấp chính quyền kiểm tra, kiên quyết xử lý những vụ việc nêu trên. Đồng thời, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến người lao động, tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa không để phát sinh vi phạm mới tại công trình do đơn vị quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để các vụ vi phạm cũ tái diễn, mở rộng quy mô...

Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, đề xuất cắt giảm chi phí quản lý công trình đối với tổ chức thủy lợi để xảy ra vi phạm, nhưng không kịp thời thiết lập hồ sơ, đôn đốc địa phương xử lý...

Kim Nhuệ