Củng cố hợp tác xã ở các xã nông thôn mới nâng cao: Hiến kế giải pháp chuyển đổi số

Nông thôn mới - Ngày đăng : 06:40, 19/06/2023

(HNM) - Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có 100% số hợp tác xã ở những xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được củng cố, kiện toàn. Qua đó, các hợp tác xã sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của kinh tế tập thể, thực hiện tốt hơn các dịch vụ đang có và mở rộng thêm dịch vụ, ngành nghề mới, đáp ứng yêu cầu của địa phương. Đây là cơ hội để khu vực kinh tế tập thể, các hợp tác xã chuyển mình, phát triển.

 Một buổi hỗ trợ nông dân, hợp tác xã quảng bá sản phẩm OCOP trên nền tảng xã hội của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.

Tăng cường chuỗi liên kết bền vững

Trước đây, các hợp tác xã chỉ cần hoạt động theo Luật Hợp tác xã và hoạt động hiệu quả là địa phương đạt tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, các tiêu chí được cụ thể hóa, nâng cao hơn như phải có chuỗi liên kết bền vững cho nông sản chủ lực gắn với sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn về vùng nguyên liệu, có sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) xếp hạng, có ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số…

Được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng như sự vào cuộc tích cực của Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, việc củng cố hoạt động của các hợp tác xã ở các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn thành phố đã và đang có nhiều chuyển biến. Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) đã được Liên minh Hợp tác xã thành phố hỗ trợ, giúp kinh tế tập thể của địa phương thay đổi hoàn toàn về “chất”, thực sự là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế nông thôn, chỗ dựa cho các thành viên.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Triều Nguyễn Hữu Phú chia sẻ, hiện tại, gần 100% diện tích sản xuất lúa của hợp tác xã được cơ giới hóa, từ cấy đến thu hoạch; nông dân yên tâm phát triển các ngành nghề, dịch vụ khác ngoài nông nghiệp để tăng thu nhập. 

Tương tự, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà (huyện Đông Anh) được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã không ngừng lớn mạnh. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà Lê Văn Tỵ, hợp tác xã thực hiện hiệu quả các hoạt động dịch vụ tưới tiêu thủy lợi, cung ứng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp và cơ giới hóa đồng bộ 1.100ha lúa của địa phương; đồng thời, phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, dịch vụ trải nghiệm.

Còn tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì), địa phương đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Quang Ngô Văn Thắng cho biết, từ chỗ các khâu cung ứng dịch vụ cho sản xuất của địa phương, như thủy lợi, vật tư nông nghiệp… hoạt động gặp khó khăn, sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, hợp tác xã đã từng bước hoạt động ổn định và dần có lãi.

Hỗ trợ toàn diện về vốn

Theo các hợp tác xã trên địa bàn thành phố, một số nội dung đặt ra cho hợp tác xã trong quá trình địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, như chuyển đổi số trong hoạt động, lượng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã trong 3 năm liền trước năm xét công nhận… vẫn còn gặp khó khăn.

Ông Ngô Văn Thắng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Quang (huyện Ba Vì) cho rằng, việc đầu tư ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số đối với hợp tác xã vẫn rất mơ hồ, khó thực hiện. Do đó, rất cần được hỗ trợ, giúp hợp tác xã xây dựng phần mềm công nghệ, thiết kế website, các kỹ năng bán hàng trên nền tảng số… 

Hiến kế giải pháp củng cố hoạt động của hợp tác xã trong lĩnh vực chuyển đổi số, Chủ tịch UBND xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) Phan Cao Lạc cho hay, xã đã giao cho Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân chọn ra các thành viên có trình độ, am hiểu về công nghệ thông tin… phối hợp với Ban quản trị hợp tác xã đưa các nông sản đặc sản của địa phương lên trang website giới thiệu sản phẩm, tổ chức bán hàng trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội. 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, để việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã ở các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đi vào thực chất và hiệu quả, thành phố cần dành thêm nguồn lực hỗ trợ cho khu vực này, cũng như sớm ban hành đề án, kế hoạch hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.

“Hà Nội là địa phương có số xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu lớn nhất cả nước, với 111 xã đã đạt nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Việc hỗ trợ toàn diện này sẽ giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố chuyển mình cả về chất và lượng”, ông Nguyễn Tiến Phong nhấn mạnh.

Bạch Thanh