Xe buýt không chỉ dành cho người thu nhập thấp
Xã hội - Ngày đăng : 18:16, 18/06/2023
Đi xe buýt là lựa chọn văn minh
Xe buýt đã xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới từ năm 1826, tại Pháp, và hiện trở thành loại hình vận tải hành khách chủ lực tại các quốc gia phát triển. Ở đó, người dân coi xe buýt là phương tiện giao thông văn minh, an toàn. Mọi tầng lớp trong xã hội đều yêu thích sử dụng dịch vụ xe buýt, thậm chí ở một số nơi người có thu nhập cao đi xe buýt nhiều hơn những người nghèo khó.
Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển thì ngược lại, xe buýt được nhìn nhận như phương tiện dành cho người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, người già... Đối với người có mức thu nhập trên trung bình, họ thường chọn xe máy, thu nhập cao hơn nữa thì sở hữu riêng một chiếc ô tô.
Chính định kiến này đã kìm hãm đáng kể sự phát triển của dịch vụ xe buýt tại nước ta trong những năm gần đây, cho dù các cơ quan chức năng không ngừng hiện đại hóa hệ thống vận tải xe buýt. Ngoài ra, điều này còn khiến số phương tiện cá nhân tăng chóng mặt. Hệ lụy tất yếu là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động.
Thực tế cho thấy, năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố Hà Nội vẫn cao hơn nhu cầu sử dụng của người dân.
Cho dù rất nhiều người có công việc, quãng đường phù hợp để sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại hằng ngày nhưng họ vẫn lựa chọn sử dụng xe cá nhân cũng chỉ vì... ngại bị người khác đánh giá. Thậm chí trong những ngày nắng nóng hoặc mưa, họ vẫn chấp nhận đi xe máy mà không đi xe buýt.
Càng ngày càng hiện đại
Trong thực tế, xe buýt nói riêng và dịch vụ vận tải hành khách công cộng nói chung tại Thủ đô càng ngày càng hiện đại, chất lượng phục vụ tăng đáng kể, nhiều người có thu nhập cao đã chuyển sang sử dụng xe buýt.
Chị Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Tôi từng có 12 năm đi xe buýt đi làm, cho dù quãng đường từ nhà tôi đến trường phải đi hai tuyến nhưng tôi vẫn thích sử dụng xe buýt hơn các loại phương tiện khác, không phải vì lý do kinh tế. Nhà tôi có một ô tô, hai xe máy nhưng rất ít khi sử dụng. Nếu được chọn lại có lẽ tôi sẽ không mua ô tô mà dành tiền đầu tư vào dự án khác bởi phương tiện đi lại đã có xe buýt là đủ rồi”.
Còn PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Trưởng ban Xúc tiến đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Tôi từng có 10 năm đi làm bằng ô tô riêng. Sau một ngày làm việc căng thẳng lại phải căng mình lái xe trên đoạn đường dài về nhà nên tôi đã thử đi xe buýt số 26 Mai Động - SVĐ Quốc gia xem sao. Và tôi thực sự thấy thuận lợi khi di chuyển bằng xe buýt, nhanh không kém ô tô cá nhân. Tôi từng trải nghiệm xe buýt ở nhiều quốc gia phát triển, hệ thống xe buýt của họ rất hiện đại, xe buýt Hà Nội cũng đang trong quá trình tiệm cận với sự hiện đại đó. Tôi tin trong thời gian tới, lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội sẽ tăng lên đáng kể”.
Những ai từng được trải nghiệm xe buýt tại các nước phát triển có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hành khách chọn xe buýt rất đa dạng, từ doanh nhân, công chức, người lao động đến sinh viên... Họ đều bình đẳng trên xe buýt và trong chính nhận thức, tư duy của mình.
Anh Trần Xuân Trường, giám đốc một công ty xây dựng có trụ sở ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Nhà tôi ở huyện Thường Tín, hằng ngày tôi vẫn bắt xe buýt tới công ty làm việc rồi tối lại bắt xe buýt về nhà. Sau một ngày làm việc căng thẳng, tôi được lên xe buýt nghỉ ngơi, nghe nhạc thay vì phải căng mình lái xe trên một đoạn đường khoảng 20km. Một số nhân viên ở công ty thấy tôi đi xe buýt cũng ủng hộ và cũng đi như tôi, tôi thấy đi xe buýt rất văn minh, thoải mái”.
Thực tế cho thấy, chất lượng dịch vụ xe buýt ở Thủ đô có thể chưa sánh bằng các nước phát triển vì nhiều lý do khách quan, nhưng bằng tình yêu Thủ đô và những lợi ích khi sử dụng dịch vụ xe buýt như giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường thì xe buýt vẫn xứng đáng là lựa chọn hàng đầu để đi lại.
Khác so với khoảng 5 - 10 năm về trước, tình trạng xe buýt đông đúc, nóng nực, chậm giờ, thái độ phục vụ của nhân viên chưa đúng mực hiện đã được giải quyết một cách cơ bản. Số lượng xe hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 4, EURO 5, xe điện, xe khí nén CNG (nhiên liệu sạch) không ngừng tăng lên. Đặc biệt là ứng dụng thông minh “Busmap Hanoi” giúp hành khách chủ động trong tìm kiếm và đón xe, tiết kiệm thời gian tối đa khi sử dụng dịch vụ xe buýt.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng cho biết: Trong những năm qua, Thành phố, ngành Giao thông Vận tải Thủ đô và các doanh nghiệp vận tải đã nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, đưa xe buýt thành xương sống trong vận tải hành khách Thủ đô. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của phía cơ quan nhà nước, rất cần sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân Thủ đô. Chúng ta cần gỡ bỏ tâm lý xe buýt chỉ dành cho người có thu nhập thấp chỉ có hay “vua” thời gian mới sử dụng xe buýt. Bởi nếu không gặp phải tắc đường thì việc đi xe buýt nhanh, thuận tiện không hề kém xe máy, thậm chí ô tô vì hành khách không phải lo chỗ đỗ xe.
Ông Hải cũng cho biết thêm, giao thông ở nước ta là giao thông hỗn hợp, mạng lưới đường giao thông lại phức tạp khiến cho xe buýt phải lưu thông cùng với các loại phương tiện khác, chịu nhiều áp lực về ùn tắc nên chưa đáp ứng được về thời gian như mong muốn của hành khách. Chúng tôi đang có những đề xuất và phối hợp với các ban, ngành để mở các làn đường riêng hoặc có tín hiệu ưu tiên của xe buýt để phát huy tối đa hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ về mọi mặt.
Ngoài ra, để kích thích người dân sử dụng xe buýt, các cơ quan công sở, doanh nghiệp có thể hỗ trợ tem tháng cho nhân viên dùng xe buýt đi làm, coi đây như một hoạt động phúc lợi chăm sóc đời sống của người lao động, chung tay cùng cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả của xe buýt.