Đời thơ tôi xanh mãi theo năm tháng
Văn hóa - Ngày đăng : 17:01, 18/06/2023
Tuổi trẻ của người thanh niên trí thức Nguyễn Đắc Xuân gắn liền với Huế. Những bài thơ của Nguyễn Đắc Xuân có mặt trên một số tờ báo lớn thời bấy giờ như Rạng Đông, Công Dân... Ngày ấy, thơ ông vu vơ, huyễn hoặc, siêu thực và không có chí hướng như lời ông từng tâm sự. Nhưng khi quê hương đã nhuốm màu của lửa đạn chiến tranh thì người thanh niên trí thức lãng mạn ấy cũng xuống đường hòa mình vào dòng người tranh đấu đòi độc lập, tự chủ.
Vẫn lãng mạn trong mỗi tứ thơ, nhưng thơ ông giờ đây mang nghĩa khí hào hùng chở theo chí hướng cao đẹp, ngay cả tình yêu đôi lứa cũng sục sôi lý tưởng nhưng vẫn lấp lánh tin yêu trong những ngày kháng chiến: "Ước gì anh ở gần em/ Anh làm chiếc thuyền nan/ đưa em qua con suối lũ/ Anh làm người trực đêm thay cho em ngủ/ Anh làm cái chắn miệng hầm/ để che mảnh cho em" (“Ước mơ nào bằng”); "Anh muốn tiếng anh kêu cao bằng tiếng súng/ Gọi tình thương làm rung chuyển địa cầu/ Và anh muốn cái thân này mọc cánh/ Đem hòa bình xoa dịu được năm châu... Để cho anh ru em, bằng những lời ca dao tình tự/ Và mẹ hiền không còn bạc tóc vì thù ghét chiến tranh" (“Ước vọng”).
Có thể thấy trong tập “Đời thơ tôi” xuất hiện thật nhiều hình ảnh "Em", như tác giả đã tự bạch: "Tôi dựng lên những nàng thơ cho tôi, từ đó trong tim tôi luôn có một người tình", và cũng từ đó thơ Nguyễn Đắc Xuân bay bổng với những yêu thương, ngọt lành, xoa dịu cô đơn, gian khổ trong những ngày kháng chiến.
Với "Em", có khi là nỗi buồn chia xa, có khi là hẹn ước, có nỗi chờ mong, cũng có khi là trùng phùng trong ngày vui chiến thắng... Để cuối cùng trên tất cả vẫn là niềm hân hoan về một niềm tin, ước mơ một tương lai rạng ngời, để: "Anh đưa em đi giữa phố đông người/ Buổi sớm mai xanh rợp màu cờ đỏ/ Gió heo may về em hồng đôi má/ Niềm vui xôn xao Nam Bắc một nhà... Bài thơ tình cho em cũng là hạnh phúc/ Ta yêu nhau để làm đẹp cuộc đời!" (“Món quà ngày thống nhất”).
Thơ Nguyễn Đắc Xuân không bóng bẩy, không cố gồng trong cách dụng văn, sự chân thành cuốn hút người đọc bởi tính "thực" trong thơ cũng như trong cuộc đời của một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu dành trọn đời đi tìm, giải mã cho lịch sử được hé lộ. Về tập “Đời thơ tôi”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: "Và ở đây bắt đầu một phẩm chất quan trọng nhất trong thơ Nguyễn Đắc Xuân cũng như trong con người ông. Đó là phẩm chất của một con người luôn đập cánh vượt qua mọi đe dọa, mọi sợ hãi và cả chết chóc để bay tới Tình yêu và Tự do".
Năm nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã ở tuổi 85, ông vẫn minh mẫn, tích cực đóng góp nhiều cho quê hương, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa. Và, “Đời thơ tôi” cũng chính một chặng đời hoạt động sôi nổi của một trí thức luôn dành tình yêu cho quê hương và khát khao được cống hiến.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nguyên là Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Huế, nguyên Phó Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương; hiện là Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế. Trước năm 1975, ông đã xuất bản 5 tác phẩm thơ, văn, trong đó tiêu biểu là ấn phẩm “Chứng nhân miền Trung tranh đấu”. Từ năm 1986 đến nay, ông đã xuất bản 83 đầu sách gồm các thể loại văn, thơ, nghiên cứu, biên khảo.