Trung Quốc tăng cường ứng phó chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
Thế giới - Ngày đăng : 04:34, 18/06/2023
Thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc gửi tới các cơ quan y tế địa phương nêu rõ, chiến dịch hướng đến 3 mục tiêu: Nâng cao nhận thức xã hội về chứng mất trí nhớ, tăng cường khả năng xác định bệnh nhân và đào tạo đội ngũ chăm sóc.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, chính quyền các địa phương cần tiến hành kiểm tra sàng lọc hằng năm đối với chứng suy giảm nhận thức ở những người từ 65 tuổi trở lên. Những trường hợp có dấu hiệu ban đầu của bệnh cần được tư vấn và can thiệp, trong khi những người được chẩn đoán mắc bệnh cần được điều trị.
Ủy ban này đề nghị các cơ quan y tế địa phương đào tạo đội ngũ chăm sóc và nhân viên cho các phòng khám trí nhớ.
Các tổ chức phúc lợi xã hội khác cũng được khuyến khích cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân.
Chiến dịch kể trên là một phần của “Sáng kiến Trung Quốc khỏe mạnh” được phát động hồi năm 2019, nhằm mục đích giảm thiểu bệnh mãn tính trong dân chúng và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Theo báo cáo về bệnh Alzheimer tại Trung Quốc được công bố trên tạp chí General Psychiatry hồi tháng 3-2022, hơn 15 triệu người trên 60 tuổi tại quốc gia này mắc chứng mất trí nhớ, trong đó có 9,83 triệu trường hợp mắc bệnh Alzheimer.
Trung Quốc là quốc gia có số lượng bệnh nhân sa sút trí tuệ cao nhất thế giới, với tỷ lệ mắc căn bệnh này là 788,3 ca/100.000 dân, cao hơn mức trung bình 682,5 ca/100.000 dân của thế giới. Sa sút trí tuệ cũng là một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở quốc gia này.
Nhu cầu về chăm sóc dự kiến sẽ tăng khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc sẽ chiếm 28% dân số quốc gia vào năm 2040.