Nắm bắt cơ hội và dũng cảm tiên phong

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 18/06/2023

(HNM) - Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, khách quan, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng. Với những ưu việt rõ ràng, hoạt động này giúp giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đang đặt ra hiện nay, đó là nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tạo lập môi trường sống tốt hơn.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nổi bật trong lĩnh vực chuyển đổi số là việc hình thành chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt, với gần 4.400 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng chính phủ số, chính quyền số các cấp.

Trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt. Các công tác về quản lý, bảo vệ rừng; thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các dự án năng lượng tái tạo… đang thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững.

Đặc biệt, chúng ta đã, đang chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các bon thấp; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển những loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo… Và hơn hết, Việt Nam đang có những bước đi tích cực và trách nhiệm để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nhìn tổng thể, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã mang lại kết quả thực chất, những giá trị thiết thực cho đời sống kinh tế - xã hội.

Phải khẳng định, mục đích tối thượng của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Vì thế, quá trình này phải đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực, nguồn lực cho phát triển; làm sao để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận những tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn; môi trường sống tốt hơn, trong lành và an toàn hơn. Từ đó, chính họ sẽ tạo ra nguồn lực lâu dài cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước.

Xét trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có mối quan hệ biện chứng, gắn chặt với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, trong phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023 diễn ra ngày 14-6 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Việt Nam đã, đang thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng tự lực, tự cường dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm và cũng là yếu tố cốt lõi để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Với yêu cầu này, vấn đề cốt lõi là cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh quốc gia một cách hiệu quả và thực chất, trên cơ sở chiến lược bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi trong phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy từ quản lý sang kiến tạo phát triển, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tầm nhìn, chiến lược dài hạn; từ đó, dẫn dắt, định hướng phát triển cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương và rộng hơn là cả đất nước.

Nắm bắt cơ hội và dũng cảm đặt bước tiên phong là yêu cầu quan trọng của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Và chỉ khi có cách tiếp cận đúng thì cơ hội mới chuyển hóa thành nguồn lực, động lực phát triển. Đó cũng là cách để phát huy vai trò, hiệu quả của hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng.

Chí Kiên