Giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải
Đời sống - Ngày đăng : 18:43, 12/10/2022
Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông; đại diện một số sở, ngành.
Trên cơ sở tổng hợp giám sát tại các quận, huyện, thị xã và cơ sở, HĐND thành phố ghi nhận, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác thoát nước, xử lý nước thải đô thị, nước thải tại làng nghề, nước thải khu, cụm công nghiệp luôn được thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhằm bảo vệ môi trường của Thủ đô.
Thành phố đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, hướng dẫn tổ chức, triển khai thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường, các chủ trương, cơ chế, chính sách của thành phố trong công tác bảo vệ môi trường.
Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 về “Tăng cường công tác Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, trong đó đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp chủ yếu để các cấp, các ngành, địa phương triển khai tổ chức thực hiện.
HĐND thành phố đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách và đã đưa chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn quốc gia vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.
Kết quả thực hiện công tác thoát nước đô thị tính đến hết năm 2021 đã giải quyết 5/16 điểm úng ngập cục bộ khi mưa lớn trên các tuyến phố chính, các điểm còn lại (11 điểm) cũng đã có giải pháp thực hiện dần theo các dự án đã và đang xin chủ trương triển khai thực hiện. Các điểm ngập nhỏ lẻ khác, thời gian rút nước nhanh cũng đã bố trí ứng trực, giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập.
Một số dự án thoát nước và dự án xử lý nước thải đã đầu tư trong thời gian qua như: Hệ thống thoát nước Hà Nội mới thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trong Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội - Giai đoạn 1 và Dự án 2 bằng nguồn vốn ODA do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ, bao gồm xây dựng cụm công trình đầu mối Yên Sở công suất 90m3/s; cải tạo, kè hệ thống sông, hồ điều hòa, kênh mương, cống tại khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ, và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì) có thể giải quyết cơ bản được tình trạng úng ngập do những trận mưa có cường độ 310mm/2ngày.
Cùng với đó, nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì (tại huyện Đông Anh - Công suất 42.000 m3/ngày đêm, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản); nhà máy xử lý nước thải Kim Liên và Trúc Bạch (công suất lần lượt là 3.700 m3/ngày đêm và 2.300 m3/ngày đêm, thực hiện trong Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - Giai đoạn I, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản)…
Toàn thành phố có 9 khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đưa vào hoạt động và đã được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi theo quy định; 42/70 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; có 93/313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đã được đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ; 4/313 làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Dù vậy, HĐND thành phố cũng cho rằng còn một số tồn tại, hạn chế. Hệ thống thoát nước một số khu vực tại khu vực phố cổ, phố cũ được xây dựng từ trước năm 1954 đã xuống cấp tiềm ẩn xảy ra việc lún sụt mất an toàn, trên hệ thống còn tồn tại một số vị trí công trình ngầm khác cắt ngang làm thu hẹp dòng chảy, giảm khả năng thoát nước. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố đang triển khai ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của các trục thoát nước chính.
Hệ thống hồ điều hòa còn thiếu, nhiều ao hồ trong khu vực nội thành bị thu hẹp diện tích do phát triển đô thị hoặc chưa tham gia tích nước điều hòa thoát nước đô thị. Còn nhiều dự án đầu tư xây dựng trạm bơm thoát nước chính cho các đô thị thuộc Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội còn chậm được đầu tư xây dựng.
Công tác thanh thải lòng cống, bàn giao, tiếp nhận để đưa vào quản lý, khai thác còn chậm dẫn đến chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư. Một số dự án đang triển khai thi công còn chậm so với tiến độ phê duyệt, 10 khu đô thị có quy hoạch xây dựng Trạm xử lý nước thải riêng biệt, tuy nhiên chưa được đầu tư xây dựng...
Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư còn hạn chế; đa số các quận, huyện chưa có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể để di dời (hoặc đình chỉ hoạt động), do đó tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân tại khu dân cư có làng nghề vẫn chưa được xử lý triệt để.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông khẳng định, hai nội dung đoàn giám sát nêu quan trọng với thành phố trong việc phát biển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đồng chí Nguyễn Trọng Đông cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, tham mưu cho thành phố lĩnh vực này, đề nghị các đơn vị đánh giá các điểm mưa có lưu lượng lớn là úng ngập cục bộ. Đặc biệt những địa bàn trước đây ít ngập, nhưng nay hay ngập do bê tông hóa vỉa hè, lát gạch đá kín, lượng nước mưa xuống chưa kịp ngấm, không có diện tích thoát nên nước chảy xuống gây ngập úng.
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, thời gian qua thành phố làm được nhiều việc về quy hoạch, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tồn tại trong thoát nước vẫn còn nhiều; việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch ở các khu đô thị còn quá ít so với thực tiễn. Công tác xử lý nước thải tại khu công nghiệp; việc thanh kiểm tra xả thải ra môi trường ở cụm công nghiệp chậm; hoạt động quan trắc không được đầu tư. Đặc biệt, việc xử lý nước thải làng nghề cũng yếu, chưa có sự đồng bộ.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị Ban Đô thị HĐND thành phố phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, thống nhất các kiến nghị trong dự thảo báo cáo giám sát cho cụ thể, đo đếm được, để sau khi ban hành báo cáo giám sát làm cơ sở để các cấp, các ngành dễ thực hiện, hiệu quả trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải.