Tiếp tục vun trồng “mảnh vườn văn hóa”

Văn hóa - Ngày đăng : 07:11, 17/06/2023

(HNM) - Là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trên hành trình bền bỉ triển khai, thực hiện, đã mang lại nhiều dấu ấn tích cực. Bên cạnh những kết quả, việc triển khai nhiệm vụ này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, cần tiếp tục có cách làm mới, hiệu quả hơn, góp phần nhân thêm nhiều “trái ngọt” cho “mảnh vườn văn hóa” Thủ đô.

Hệ thống quy tắc ứng xử được niêm yết tại trụ sở UBND phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm).

Kiên trì xây dựng văn hóa người Hà Nội

Văn hóa người Hà Nội từ lâu đã được định hình bằng những đặc trưng nổi bật “hào hoa, thanh lịch…”, là kết quả hun đúc từ trí tuệ, tâm hồn bao thế hệ cùng quá trình kết tinh, lan tỏa văn hóa khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, cùng với những đổi thay tất yếu trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, văn hóa Hà Nội những năm qua đứng trước nhiều thách thức mới. Điều này đã được Hà Nội cảnh báo và chú trọng nhiều biện pháp củng cố, bảo vệ, trong đó nổi bật, xuyên suốt nhiều năm chính là chương trình hành động lớn của Thành ủy với những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, tập trung cho phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Cụ thể, trong giai đoạn phát triển mới (giai đoạn 2021-2025), Thành ủy Hà Nội triển khai Chương trình số 06/CTr-TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, tập trung vào các nhiệm vụ chính như tăng cường bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện hai quy tắc ứng xử; phát huy hiệu quả quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống…

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, toàn thành phố hiện có 21.184 mô hình “Dân vận khéo”, góp phần giải quyết thành công nhiều việc mới, việc khó phát sinh ở cơ sở, củng cố niềm tin, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, hỗ trợ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở cơ sở.

Còn theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng, nhiều cuộc vận động, mô hình... đã và đang thực hiện hiệu quả như cuộc vận động “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp”, “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân viên chức lao động Thủ đô”…; đề án “Xây dựng văn hóa trong trường học”; mô hình “Dân vận khéo”, “Tuyên truyền quảng bá văn hóa, lịch sử, du lịch Thăng Long - Hà Nội”…

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn mới tập trung vào các giải pháp tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thể chất, giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng ứng xử đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò của mỗi công dân trong xây dựng môi trường văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân

Bên cạnh kết quả, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Hà Nội vẫn còn khó khăn, hạn chế như một số địa phương, đơn vị chưa coi trọng, chỉ đạo thực hiện nên hoạt động này có lúc, có nơi còn chưa rõ nét; việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu đồng bộ; tệ nạn tiêu cực trong hoạt động quản lý văn hóa chậm được đẩy lùi, tác động xấu tới quá trình phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Để khắc phục những hạn chế nói trên, mới đây Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố tham mưu xây dựng Chỉ thị về đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, với những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa, con người Hà Nội thời gian tới.

Để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng sâu rộng những phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô, đồng thời cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng văn hóa người Hà Nội từ “nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”, đồng thời có chế tài ngăn chặn, xử lý các hành vi không phù hợp với truyền thống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Còn theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bản thân mỗi người phải thấy được vai trò, trách nhiệm của mình, qua đó sẽ ý thức được mình cần làm gì để Thủ đô ngày một phát triển. Sắp tới, Sở sẽ cùng Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tiến hành kiểm tra việc thực hiện hai quy tắc ứng xử ở Hà Nội, nhằm đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát hiện những nhân tố tích cực để biểu dương, lan tỏa, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị.

Nguyễn Thanh