Cấp bách lấp “khoảng trống” vắc xin

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 17/06/2023

(HNM) - Chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi là chương trình quốc gia để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Nhờ có chương trình nhân văn này, hằng năm chúng ta đã bảo vệ được hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị chết cũng như chịu những di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện có hiệu quả, nhiều địa phương hiện đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là sau khi chuyển từ cơ chế đặt hàng tập trung của Bộ Y tế để phân bổ cho các địa phương sang cho các địa phương tự đấu thầu mua vắc xin. Cụ thể, một số loại vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng vốn được cung cấp theo cơ chế đặt hàng, nay chưa có nhà cung cấp mới, không có kê khai giá, chưa có số đăng ký lưu hành… nên không đủ điều kiện đấu thầu, mua sắm. Cơ chế kiểm định các lô vắc xin trước khi tiêm chủng cũng gây khó khăn cho các địa phương nếu thực hiện riêng lẻ.

Có thể nói, việc bảo đảm có đủ vắc xin sớm nhất là một nhiệm vụ cấp bách, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân, nhất là trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Để khắc phục những khó khăn nêu trên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng, nếu để các địa phương tự đấu thầu thì thời điểm có vắc xin sẽ khác nhau, khiến người dân đưa con em từ nơi này sang nơi khác để tiêm chủng, ảnh hưởng đến khả năng dự trù, xây dựng kế hoạch tiêm chủng. Phương án khả thi nhất là Trung ương cấp ngân sách để Bộ Y tế đấu thầu và phân bổ vắc xin. Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định, địa phương không thiếu kinh phí, không sợ trách nhiệm, nhưng đang thiếu cơ chế mua sắm. Chính vì vậy cần tiếp tục thực hiện cơ chế Bộ Y tế mua sắm, đấu thầu tập trung vắc xin và phân bổ, điều phối cho các địa phương.

Trước tình hình cấp bách nêu trên, mới đây, tại cuộc làm việc với Bộ Y tế, một số bộ, ngành, địa phương về mua sắm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: “Phải có đủ vắc xin và tiêm cho các cháu sớm nhất có thể. Trước mắt, phải đưa ra được giải pháp khả thi, kịp thời để bảo đảm đủ vắc xin triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng đúng kế hoạch, an toàn, không xảy ra rủi ro y tế”.

Để thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế, nhất là những người có trách nhiệm cần sớm đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho được khó khăn, vướng mắc trong các quy định đấu thầu, mua sắm, đặt hàng, đàm phán giá… Đồng thời, khẩn trương làm việc với các đơn vị sản xuất của Bộ Y tế để cung ứng vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; thực hiện thương thảo, thực hiện cơ chế mua sắm trước, trả tiền sau, đồng thời sớm ban hành hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trẻ nhỏ. Tất cả nhằm không để xuất hiện những “khoảng trống” trong tiêm chủng mở rộng do thiếu vắc xin ở các địa phương.

Việc duy trì liền mạch vắc xin tiêm chủng mở rộng là nhu cầu tối thiểu mà trẻ em phải được đáp ứng. Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo người dân tham gia tiêm chủng mở rộng phải “đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ”. Vắc xin tiêm chủng mở rộng chính là hàng rào bảo vệ cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng gián đoạn tiêm, tiêm không đủ do thiếu vắc xin hoặc bỏ tiêm vắc xin sẽ tạo thời cơ cho nhiều bệnh nguy hiểm quay trở lại. Và khi đó, hậu quả sẽ rất khó lường.

Hà Trang