“Nuôi dưỡng” người tham gia hệ thống an sinh
Đời sống - Ngày đăng : 07:26, 19/01/2023
- Nhìn lại năm 2022, ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được?
- Nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội cùng sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Bảo hiểm xã hội và các sở, ngành, đơn vị, địa phương, các chính sách tiếp tục mở rộng diện bao phủ, duy trì đà tăng.
Đến cuối năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt gần 1,983 triệu người, bằng 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,4% so với thời điểm cuối năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 75.000 người, bằng 1,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 18,5%. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 7,74 triệu người, tăng 3,4%. Tổng số thu các chính sách đạt hơn 54.211 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Đây là 4 chỉ tiêu quan trọng được các đơn vị chức năng hoàn thành và hoàn thành vượt mức trong tổng số 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022.
Việc giải quyết các chế độ, bảo đảm các quyền lợi cho người dân, người lao động, doanh nghiệp tham gia các chính sách ngày càng tốt hơn, số tiền nợ giảm dần, tỷ lệ nợ phải tính lãi còn 2,5%...
- Để phát triển số người tham gia mới các chính sách và “nuôi dưỡng” những người đã tham gia ở lại hệ thống an sinh, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung này?
- Thời gian gần đây, thị trường lao động còn bị tác động bởi đại dịch Covid-19, dẫn đến số người bị ảnh hưởng về việc làm khá nhiều. Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp; đồng thời “tiếp sức” cho thị trường lao động phát triển ổn định. Ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn và hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 4.340 tỷ đồng, giúp gần 1,77 triệu người lao động có thêm nguồn lực vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã xác nhận tình trạng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động để xác minh đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đối với hơn 166.000 người đang làm việc trong doanh nghiệp và hơn 11.000 người mới trở lại thị trường lao động. Toàn ngành cũng giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho hơn 34.000 lao động, giảm so với năm 2021 và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với hơn 72.000 người.
Đối với bảo hiểm y tế, với sự đa dạng hình thức tuyên truyền của ngành và các đơn vị liên quan, số người tham gia chính sách tăng tập trung ở nhóm đối tượng vốn không dễ phát triển như học sinh, sinh viên, thành viên hộ gia đình...
- Năm 2023, dự báo kinh tế - xã hội còn khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, việc làm của người lao động. Để phát triển số người tham gia các chính sách an sinh, các cơ quan chức năng sẽ làm gì, thưa ông?
- Ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô tiếp tục bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đưa các chính sách vào đời sống bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm việc với tinh thần: “Trách nhiệm, hiệu quả vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp Thủ đô”. Ngoài ra, ngành Bảo hiểm xã hội ưu tiên chuyển đổi số, tăng cường cải cách hành chính, giao dịch hồ sơ điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực.
Để chính sách lan tỏa, ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội tập trung tuyên truyền làm nổi bật tính ưu việt, nhân văn, chia sẻ của các chính sách; đồng thời kiến nghị thành phố xem xét hỗ trợ thêm mức đóng cho một số đối tượng; kêu gọi các nhà hảo tâm tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho trường hợp khó khăn.
Mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi cho người dân, người lao động, doanh nghiệp tham gia các chính sách được ngành đặc biệt chú trọng. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội còn dưới 2,5%; kiểm soát hợp lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đặt mục tiêu năm 2023 tăng nhanh, bền vững số người tham gia các chính sách. Đến cuối năm có ít nhất 43% lực lượng lao động trong độ tuổi ở Thủ đô tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 2% tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chính sách bảo hiểm y tế mở rộng diện bao phủ đến 93,5% dân số, tương ứng với hơn 8 triệu người tham gia.
- Trân trọng cảm ơn ông!