Nhiều bệnh nhân bị suy thận cấp do ong đốt

Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 22/07/2005

Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), những năm gần đây, số lượng bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện ngày càng tăng. Nếu không được phát hiện sớm để điều trị, nhiều bệnh nhân sẽ bị suy thận cấp và phải chạy thận nhân tạo.

Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), những năm gần đây, số lượng bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện ngày càng tăng. Nếu không được phát hiện sớm để điều trị, nhiều bệnh nhân sẽ bị suy thận cấp và phải chạy thận nhân tạo.

Sau khi bị ong đốt, nhiều người chỉ thấy xuất hiện vết sưng đỏ nhẹ tại chỗ đốt, nhưng cũng có rất nhiều trường hợptử vong nhanh do sốc phản vệ hoặc do suy thận cấp... Đây là một biến chứng không phải hiếm và với những bệnh nhân này, việc điều trị sẽ rất tốn kém vì phải nằm viện dài ngày, chi phí điều trị cao. Các loại ong đốt là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật, nhưng nhiều nhất vẫn là ong vò vẽ. Có bệnh nhân bị ong đốt đến vài trăm nốt. Khoảng 21,4% trường hợp ong đốt bị suy thận cấp, đa số phải sống nhờ chạy thận nhân tạo. Cơ chế của suy thận cấp ở bệnh nhân ong đốt là hoại tử ống thận cấp thứ phát sau giảm huyết áp, tan máu trong lòng mạch, myoglobin niệu (do tiêu cơ vân). Cũng có thể thận bị suy do tác động trực tiếp của một lượng lớn nọc ong, hoặc do dị ứng với nọc độc của ong nên gây viêm kẽ thận...

Trong nọc của ong có rất nhiều chất enzym như mellitin, phospholipase A2 (PLA2). Chính chất PLA2 làm khởi động quá trình giải phóng acid arachidonic từ lipid của màng tế bào và khởi phát quá trình viêm, tạo thuận lợi cho nọc ong lan nhanh và hấp thu nọc ong vào máu. Các thành phần khác của nọc ong có trọng lượng phân tử nhỏ hơn như Apamin, các peptid phá hủy tế bào mass và histamin. Những chất này có thể gây tan máu và phá hủy các tế bào nội mạc biểu mô mạch máu.

Số bệnh nhân bị teo cơ vân có biểu hiện suy thận chiếm tỷ lệ cao (71,4%). Việc phát hiện sớm suy thận trong trường hợp này là dựa vào màu sắc của nước tiểu. Khi thấy nước tiểu đang có màu trong chuyển thành màu đỏ nâu thì bác sỹ sẽ phải thực hiện bài niệu cưỡng bức bằng cách truyền nhiều dịch. Khi nước tiểu có màu sẫm như màu CocaCola thì bài niệu cưỡng bức không còn nhiều tác dụng và bệnh nhân có thể phải lọc máu ngoài thận (chạy thận nhân tạo).

Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) Nguyễn Thị Dụ, việc phát hiện sớm suy thận cấp bằng cách theo dõi màu sắc nước tiểu sẽ làm giảm tỷ lệ bệnh nhân bị ong đốt phải chạy thận nhân tạo và rút ngắn được ngày điều trị.

HNM

ANHTHU