Bài 3: Thổi bùng ngọn lửa sáng tạo
Văn hóa - Ngày đăng : 06:19, 16/06/2023
"Làm cho Hà Nội đẹp từng centimet"
Sẽ ra sao nếu đài phun nước ở vườn hoa Diên Hồng (thường được gọi với cái tên dân dã là "vườn hoa Con Cóc") - di sản đã gắn bó với người dân Hà Nội suốt 120 năm qua bỗng dưng biến mất? Đó là câu hỏi được đặt ra qua tác phẩm của hai kiến trúc sư Nguyễn Đình Hùng và Nguyễn Hoàng Kim, khi công trình nhà triển lãm bằng gương của họ “nuốt chửng” đài phun nước này. Phía trong ngôi nhà gương ấy là nơi trưng bày các phương án Top 10 Awards Pavilion 2022 do Kienviet.net (Hội Kiến trúc sư Việt Nam bảo trợ) tổ chức, diễn ra trong 2 tuần (từ 20-5 đến 4-6). Và quả nhiên, câu hỏi đó đã khiến công chúng xôn xao, tò mò, họ bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn và trên báo chí. Công chúng kéo đến “nhà triển lãm ngoài trời” này nhiều hơn, như muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi: Sẽ ra sao nếu những công trình tiêu biểu khác mà người Hà Nội tự hào và yêu mến biến mất?
“Có không giữ, mất đừng tìm” - thông điệp từ ý tưởng nhà triển lãm độc đáo kể trên thực ra không mới, nó đồng điệu với biết bao tác phẩm nghệ thuật đã được Thành phố đồng hành với các nghệ sĩ kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua để giúp người dân thêm yêu, thêm trân trọng từng tấc đất của Hà Nội. Mà nói như kiến trúc sư Lê Việt Hà, thành viên sáng lập sự kiện Tuần lễ thiết kế Việt Nam là phải chăm chút cho Hà Nội từng ly từng tí một, hãy làm cho Hà Nội đẹp từng centimet. Có lẽ bởi ở vùng đất ngàn năm văn hiến này, mỗi centimet đều là di sản.
Với tâm thức ấy, nhiều không gian công cộng đã được hồi sinh, “thay áo mới” bằng các tác phẩm nghệ thuật trong suốt nhiều năm qua. Đó là con đường gốm sứ ven sông Hồng, phố bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật Phúc Tân, hay giản dị hơn là những sân chơi trẻ em tận dụng “không gian chết” ở khác khu dân cư... Đặc biệt, từ khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2019, một bầu không khí sáng tạo sôi nổi dường như được truyền khắp nơi, khuấy động đời sống của các nghệ sĩ, nhà thiết kế..., thôi thúc họ tham gia vào nhiều hoạt động sáng tạo.
Hàng loạt sự kiện lớn được tổ chức như cuộc thi thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội, Lễ hội sáng tạo Hà Nội năm 2022, Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, Tuần lễ thiết kế Việt Nam, Biennale Photo Hanoi... Với chuỗi hoạt động đa dạng, độ phủ lớn, các sự kiện này đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần của thiết kế sáng tạo đến cộng đồng, giúp người dân có cảm giác nghệ thuật sáng tạo đã trở thành một phần của đời sống tinh thần. Sống ở Thủ đô, dường như họ có thể chạm tay vào nghệ thuật ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào. Nghệ thuật giúp họ thêm yêu, thêm trân trọng thành phố này.
Phát triển văn hóa toàn diện
Không chỉ thổi bùng lên không khí sáng tạo ở các loại hình nghệ thuật công cộng, việc phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp cũng được Hà Nội đặc biệt chú trọng. Báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” cho thấy hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua.
Với mục tiêu vừa phục hồi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của quần chúng nhân dân, vừa đảm bảo thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và các hoạt động văn hóa nghệ thuật tạo không khí vui tươi phấn khởi chào đón du khách đến với Thủ đô Hà Nội. Các nhà hát của Thành phố tiếp tục dàn dựng 18 vở diễn mới, biểu diễn 1.688 buổi, trong đó có 1.023 buổi diễn có doanh thu - đạt 26,157 tỷ đồng.
Nghệ thuật ca kịch truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát triển. Từ năm 2021 đến nay, Nhà hát Chèo Hà Nội đã sưu tầm và bảo tồn 5 làn điệu chèo cổ, 3 vai mẫu trong các trích đoạn chèo cổ; Nhà hát Cải lương Hà Nội phục dựng trích đoạn cải lương “Nàng Phi Yến” và đang tiến hành phục dựng vở “Kiều”; Nhà hát Kịch Hà Nội bảo tồn vở kịch “Mảnh đất lắm người nhiều ma”; Nhà hát Múa rối Thăng Long phục dựng các trích đoạn múa rối “Thế giới của chúng em” - đây đều là những vở diễn, trích đoạn kinh điển của sân khấu truyền thống trong thời kỳ hiện đại.
Nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn đã được tổ chức, như cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI, Liên hoan xiếc quốc tế 2022 cùng rất nhiều chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước.
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (LHVHNT) Hà Nội đánh giá: “Văn học nghệ thuật Thủ đô tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động, có quan điểm biện chứng với đời sống, ca ngợi, khẳng định những cái tích cực, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới, tính tích cực xã hội được đề cao... Văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú, xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao, đạt được nhiều thành tựu, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước”.
Chăm lo cho nguồn lực sáng tạo
Tuy có nhiều kết quả khả quan, song xác định phát triển văn hóa là chiến lược lâu dài, phải luôn đổi mới, sáng tạo trong cách thức thực hiện, Hà Nội đã không ngừng tìm kiếm các giải pháp, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hội LHVHNT Hà Nội là mái nhà chung của 4.400 hội viên thuộc 9 hội chuyên ngành, với những tên tuổi hàng đầu trong giới trí thức, văn nghệ sĩ cả nước, là lực lượng hoạt động văn học, nghệ thuật sáng tạo ra nhiều tác phẩm và công trình có uy tín, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa và tinh thần của Thủ đô. Theo NSND Trần Quốc Chiêm: “Hội LHVHNT đã có những thành tựu đáng tự hào trong các hoạt động tổ chức và đầu tư sáng tác suốt hơn nửa thế kỷ qua, đã tập hợp được đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, tạo ra nhiều tác phẩm và công trình có chất lượng. Trong số hội viên của Hội, tới nay đã có 36 tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh; 141 tác giả được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; hàng trăm tác giả được Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; hàng trăm nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và hàng chục hội viên được phong tặng Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú. Có 17 hội viên của Hội được phong tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú”.
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa cũng không ngừng được nâng cao. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô, khai thác hiệu quả lĩnh vực văn hóa - với tư cách là nguồn lực nội sinh, lợi thế so sánh của Hà Nội trong phát triển bền vững cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, phải chú trọng đến việc kiện toàn cả về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa. Chính vì lẽ đó, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030”, tạo cơ sở cho việc đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa, con người, nguồn nhân lực của Thủ đô.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có tác động tích cực không chỉ với sự nghiệp văn hóa của Thủ đô, mà còn góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII cũng đã khẳng định rằng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành Văn hóa, Du lịch là một trong những đột phá chiến lược để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
(Còn nữa)