Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn tại Quốc hội
Giáo dục - Ngày đăng : 13:55, 12/06/2015
17:13 12/06/2015
ĐB Mỹ Hương (Ninh Thuận): SV ra trường không có việc làm, theo tôi tình trạng đó có nguyên nhân là Bộ đặt nặng khâu đầu vào mà ít chú trọng đánh giá chất lượng suốt quá trình đào tạo và khâu đầu ra, ý kiến của Bộ trưởng?
Xin Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết tình hình xây dựng chiến lược nguồn nhân lực quốc gia?
ĐB Bùi Thị An: (Hà Nội): SGK phải cải tiến nhưng “nhạc trưởng” là ai? ĐH Bách Khoa 8 tháng nay không có hiệu trưởng, vì sao?
ĐB Bùi Văn Phương: Việc đánh giá HS tiểu học như vừa qua không nhận được nhiều sự đồng tình của XH, nền giáo dục VN đã đạt được nền giáo dục phát triển chưa? Nếu chưa thì việc đánh giá này đã hợp chưa?
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ĐB Mỹ Hương chuyển thẳng câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ KHĐT. Do đã hết giờ nên phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tạm dừng tại đây. Sáng mai, Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT tiếp tục trả lời các chất vấn của ĐB quốc hội.
17:11 12/06/2015
ĐB của Yên Bái: Chương trình VNEN đang được triển khai thí điểm ở tiểu học, khi nào triển khai ở cấp THCS? Công tác tuyển sinh ĐH năm 2015 ở trường ĐH Quốc gia có đề án tuyển sinh riêng thu hút nhiều học sinh tham gia, đánh giá của Bộ trưởng về việc? Có thể áp dụng trong những năm sau?
ĐB Hồng Thắm (Cần Thơ): Nâng cao giáo dục phổ thông, yếu tố con người là quyết định, trong đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên, Bộ tập trung những giải pháp gì: các trường sư phạm, trường quản lý cán bộ giáo dục, đặc biệt là khu vực khó khăn?
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM): Trong chương trình đạo tạo phổ thông, phần lớn các cháu chưa đạt kỹ năng ngoại ngữ cần thiết, trong đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới, liệu có đạt mục tiêu sau khi hoàn thành phổ thông học sinh có đủ kỹ năn ngoại ngữ để vào đời?
Sắp tới, lao động tại khu vực ASEAN sẽ được tự do làm việc tại các nước trong khu vực, liệu chúng ta có chỉ xuất khẩu lao động giản đơn mà phải nhập lao động giá trị cao? Ngành giáo dục có giải pháp gì để giải quyết căn cơ vấn đề này?
ĐB Hương (Điện Biên): SV đại học, cao đẳng ra trường không đáp ứng được nhu cầu cầu việc làm. Có phải do đào tạo mới chỉ quan tâm đầu vào mà buông lỏng đầu ra?
Đặng Kim Chi (Phú Yên): Năm nay, HS của Phú Yên phải vào Khánh Hòa để thi tốt nghiệp THPT, dựa trên tiêu chí nào mà Phú Yên có 2 trường ĐH nhưng không được tổ chức thi? Tại sao không cho HS ở Phú Yên thi ở khu vực gần hơn mà phải vào tận Khánh Hòa? Tại sao chủ trương lớn như vậy mà không hỏi ý kiến lãnh đạo địa phương trước khi tiến hành. Việc tổ chức thi như vậy có làm mất cơ hội đối với HS có điều kiện kinh tế khó khăn khó có thể tham gia cả ĐH?
17:08 12/06/2015
ĐB Ngô Ngọc Bình (TP HCM): Việc biên soạn SGK phổ thông mới có phải đang thiếu người có đủ năng lực biên soạn? Ưu việt của chương trình phổ thông mới so với chương trình hiện hành? Bộ làm gì để huy động tối đa chất xám vào biên soạn SGK phổ thông? Khi nào Bộ có thể công bố chương trình tổng thể và chương tình giáo dục phổ thông các môn học?
Thiếu sự liên thông giữa các cấp như mầm non-tsasb học, tiểu học-trung học cơ sở… khiến xảy ra tình trạng học trước, học thêm, biện pháp để giải quyết vấn đề này khi SGK mới chưa thực hiện đại trà là gì?
ĐB Huỳnh Minh Thiện ( TP HCM): Có nhiều SV ra trường không có việc làm, làm gì để tránh lãng phí đào tạo? Bộ đánh giá thế nào khi chỉ quan tâm chỉ tiêu tốt nghiệp THPT, có xây dựng hướng nghiệp cho học sinh THPT không? Hướng nghiệp cho THPT những năm tới như thế nào? Nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập tuyển sinh khó khăn, vì sao có tình tạng này, giải pháp khắc phục?
16:47 12/06/2015
Trả lời chất vấn của ĐB Nông Thị Bích Liên, Bộ trưởng cho rằng do lớp học có sĩ số đông, nên giáo viên quan tâm đến từng cháu một thì khối lượng công việc sẽ tăng lên. Do mới thực hiện Thông tư 30, các thầy cô giáo còn bỡ ngỡ, chưa quen nên vất vả. Ngoài ra, một số quy định cũ Bộ đã huỷ bỏ nhưng chưa được triển khai nghiêm túc ở cơ sở như quy định với quyển sổ tay giáo viên. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục chấn chỉnh để giảm công việc hành chính không cần thiết của giáo viên, giúp giáo viên tập trung vào hướng dẫn, tư vấn, cố vấn giảng dạy cho các cháu.
Về thực tế triển khai Thông tư 30 ở các tỉnh miền núi, dân tộc ít người, Bộ trưởng cho biết, ở những trường vùng khó khăn thì việc triển khai lại nhẹ nhàng. Bỡ ngỡ ban đầu là có nhưng lại rõ hiệu quả như ở Lào Cai, Nghệ An... và nhiều tỉnh khác ở Tây Bắc.
16:43 12/06/2015
Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng cho rằng việc giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của các cháu hiện chỉ chú trọng dùng kết quả văn hoá. Các cháu ở lớp học dưới, ít môn học, chưa phân hoá, kết quả xếp hạng cao nhưng khi lên trên chỉ xếp loại khá giỏi mới hạnh kiểm tốt. Thứ hai là do việc dạy các môn liên quan đến đạo đức chú trọng nhiều văn hoá nên việcc đánh giá hạnh kiểm bị lệch, chưa phù hợp. Từ đó, trong chương trình dự kiến đổi mới, sẽ có những thay đổi để khuyến khích các cháu có rèn luyện, tu dưỡng.
Với các trường ĐH dân lập và tư thục chuyển đổi khó khăn, liên quan đến việc đóng góp, phân phối, Bộ trưởng cho rằng, các trường ĐH dân lập được thành lập cách đây mấy chục năm, được hình thành theo nhiều cách khác nhau. Lúc thành lập các thầy, các nhà sáng lập không có thoả thuận thống nhất, văn bản quy phạm pháp luật nhà nước lúc đó còn đơn giản, do vậy cho nên đến thời điểm này, phải giải quyết đối với từng trường. Với một số trường không có mâu thuẫn thì khó khăn ít. Những tường nào đẩy lên thành các mâu thuẫn thì vô cùng khó khăn. Bộ đang phối hợp với các tỉnh, TP nơi các trường đóng địa bàn phối hợp giải quyết từng tường hợp một.
16:38 12/06/2015
Trả lời chất vấn của ĐB Ma Thị Thuý, Bộ trưởng đưa ra 3 giải pháp chính. Thứ nhất là quy chế với những quy định rõ ràng, cụ thể chi tiết những việc phải làm, được làm, không được làm. Thứ hai là cùng với đề thi, có thang điểm chi tiết xuống đến 0,8 điểm để việc chấm thống nhất hơn, sự khác biệt thu hẹp lại. Thứ ba là các hộ đồng thi cũng như bộ sẽ triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, phúc tra hoạt động thi cử một cách kỹ lưỡng. Hoạt động này không chỉ diễn ra trong kỳ thi, chấm thi mà quá trình tự kiểm tra, thanh tra của nhà trường cũng như của bộ vẫn sẽ tiếp tục, bảo đảm công bằng, nhất quán cho các cháu.
Về các nhà giáo mầm non với mức lương thấp, theo bộ trưởng nguyên nhân có yếu tố lịch sử từ những năm 90 trở về trước, mức đóng BH thấp. Sau khi thấy được vấn đề, Chính phủ đã có quyết định giải quyết mức lương bảo hiểm cho các cô giáo mầm non ở mức ngang bằng mức lương tối thiểu; Ngoài ra, có chính sách phụ cấp cho các cô giáo mầm non. Bộ đang có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kéo dài chính sách đó, kéo dài phụ cấp cho các cô giáo mầm non.
16:34 12/06/2015
Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Thị Chung, Bộ trưởng cho biết, 15 năm trước, bằng chính sách miễn giảm học phí cho SV học trường sư phạm, các trường đã thu hút được HS ưu tú mà chúng tôi gọi là "thế hệ 3 con 9". Sau này, do kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên, chính sách miễn giảm học phí không đủ sức thu hút người giỏi. Cộng với chính sách Chính phủ hỗ trợ cho SV vay tín dụng đi học, miễn giảm học phí, học bổng, các cháu có điều kiện tính toán lựa chọn nhiều hơn.
Về giải pháp, Bộ trưởng đề nghị QH quan tâm để hỗ trợ triển khai quy định chiến lược đã được ghi trong Nghị quyết 29 là chế độ tiền lương được ưu đãi ở bậc cao nhất. Khi đó các thầy cô giáo cũng được động viên về mặt tinh thần.
Về bạo lực học đường, về nguyên nhân trong nhà trường, Bộ có theo dõi, khảo sát, có làm việc với Bộ CA, có ký kết giữa 2 bộ thì thấy có vấn đề liên quan đến phương thức giáo dục thời gian qua quá chú trọng việc dạy chữ, truyền thụ kiến thức cho các cháu. Nhiều môn học liên quan đến giáo dục đạo đức, trang bị các cháu hiểu biết về lòng yêu nước, đối nhân xử thế trở thành môn văn hoá, cũng như những môn toán lý hoá. Điều này dẫn đến việc các cháu phát triển mất cân đối.
Chúng ta đã quyết định chuyển từ phương thức giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang chú ý phát triển năng lực phẩm chất, chú ý nhiều hơn hỗ trợ, tạo điều kiện các cháu hình thành thói quen, kỹ năng tự học, có kỹ năng trải nghiệm thực tế hình thành năng lực, phẩm chất đúng như chúng ta mong muốn.
Tóm lại, thực hiện thật tốt nội dung trong Nghị quyết 29 và 88 của QH là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết nạn bạo lực học đường.
16:30 12/06/2015
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Lâm về những phát sinh trong quá trình tổ chức thi theo cụm, Bộ trưởng cho biết năm nay triển khai ở 38 cụm, Bộ đã có quá trình làm việc với tất cả các tỉnh, địa phương. Cho đến thời điểm này, UBND các tỉnh, TP vào cuộc quyết liệt; các sở ban ngành tham gia chủ động bố trí điều kiện phục vụ tốt nhất cho các thí sinh. Nhiều tổ chức chính trị xã hội tham gia, bố trí các chuyến xe chở các cháu đi lại, bố trí nhà ở miễn phí, hỗ trợ tiền nong, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu đi lại, ăn ở.
Về cơ cấu ngành nghề đào tạo các trường ĐH có được thả nổi không? - Bộ trưởng khẳng định quy trình mở ngành hiện nay do Bộ giữ quyền nhằm bảo đảm cân đối, không cho mở ào ạt. Tới đây những trường ĐH được Thủ tướng cho tự chủ tài chính và làm việc nghiêm túc, đạt được sự tin tưởng, Thủ tướng sẽ cân nhắc để các trường này sẽ được chủ động mở một số ngành.
Trên thực tế, khi thấy một số ngành đào tạo ra số lượng SV ra trường bão hoà, thừa so với nhu cầu thị trường như tài chính, ngân hàng, điều dưỡng... Bộ đã phát cảnh báo để thí sinh cân nhắc và dừng không cho mở những ngành đó.
16:29 12/06/2015
Trả lời câu hỏi của ĐB Đào Xuân Yên về giáo viên ở nông thôn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đó là hệ quả của quá trình CNH. Bộ đã thấy được và trao đổi với Bộ Nội vụ để có giải pháp đào tạo lại, có luân chuyển cán bộ từ các nhà trường sang các cơ quan, tổ chức trên địa bàn. 2 Bộ đã có trao đổi nhưng chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.
16:20 12/06/2015
Hiện bạo lực học đường gia tăng nhưng các trường hợp hầu hết đều không phải do nhà trường chủ động phát hiện, ngoài nguyên nhân khách quan từ XH thì có những nguyên nhân chủ quan gì?
ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): Việc tổ chức cụm thi địa phương có thể tạo sự không công bằng về kết quả thi giữa các cụm, giải quyết vấn đề này như thế nào? Nhiều nhà giáo thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giáo viên mầm non, Bộ có giải pháp gì?
ĐB Phạm tất Thắng (Vĩnh Long): Hiện tượng HS đánh nhau, thậm chí đánh cả giáo viên gây bức xúc trong XH, việc giáo dục công dân thời gian tới như thế nào? Việc thực hiện Giáo dục ĐH phân tầng đã triển khai đến đâu, khó khăn và giải pháp? Quá trình chuyển ĐH dân lập sang tư thục như thế nào?
ĐB Nông Thị Bích Liên (Hà Giang): Việc đổi mới đánh giá HS tiểu học bên cạnh ưu điểm, nhiều giáo viên phản ánh công việc nặng nề, vất vả hơn, đánh giá của Bộ trưởng? Ngoài đổi mới trên, giải pháp thực hiện nội dung đánh giá học sinh vùng khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là gì?
ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn): Đánh giá HS tiểu học giảm áp lực cho HS nhưng công tác quản lý chưa đổi mới kịp gây áp lực lớn cho giáo viên, việc này có dẫn đến việc đánh giá HS mang tính hình thức?