Ba Phó thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 13:57, 17/11/2015
17:00 17/11/2015
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong chiều nay, theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, đã có 54 ĐB thảo luận và đặt câu hỏi chất vấn. Trong sáng mai (18/11), sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường và 4 ĐB hỏi lần 2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trả lời các câu hỏi của ĐB.
16:58 17/11/2015
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi của ĐB liên quan đến đào tạo giáo viên các trường sư phạm. Theo Bộ trưởng, mạng lưới hiện nay của trường sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu những năm sau giải phóng cho nên đến thời điểm này năng lực đào tạo quy mô đào tạo vượt xa so với nhu cầu. Bộ GD-ĐT tiếp nhận thông tin từ các kênh, trong thời gian vừa rồi đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ, trong đó có các trường sư phạm; chuyển một số trường CĐ sư phạm các địa phương sang thành cao đẳng cộng đồng, tức mở thêm các ngành đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội địa phương thu hẹp dần hoạt động đào tạo sư phạm.
Bộ cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định quy mô tối đa các trường ĐH, CĐ sư phạm thuộc ĐHQG Hà Nội, không để các trường phát triển với quy mô không giới hạn nữa; chấm dứt hình thức đào tạo từ xa với các cơ sở đào tạo giáo viên; nâng cao chất lượng và trình độ kỹ năng sư phạm của đội ngũ nhà giáo; chấm dứt việc đào tạo thạc sỹ đối với ngành sư phạm ngoài cơ sở đào tạo chính của nhà trường...
16:57 17/11/2015
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời 3 câu hỏi của ĐB đã nêu trong sáng nay.
Với câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Hoà về chiến lược phát triển ngành nông nghiệp (NN) trong điều kiện hội nhập sâu rộng, Bộ trưởng cho rằng rõ ràng NN Việt Nam đang đứng trước bối cảnh có nhiều thách thức. Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những thách thức đó. Thứ hai ngành NN phải đối diện với thách thức ngày càng gia tăng về biến đổi khí hậu. Để đối phó cùng một lúc với nhiều thách thức ngành NN phải thay đổi.
Để thực hiện cải cách, phải thay đổi cách tiếp cận, thay vì phát triển nền NN làm ra càng nhiều càng tốt, tiêu dùng trong nước thừa thì đem đi bán thì phải phát triển thành nền NN sản xuất hàng hoá cạnh tranh quốc tế, dựa vào phát huy lợi thế của đất nước chúng ta. Chúng ta có lợi thế và tin tưởng có thể cạnh tranh được với các nước đối tác về gạo, điều, hạt tiêu, cao su, trái cây nhiệt đới, hoa, thuỷ sản (tôm, cá tra)... Chúng ta không thể cạnh tranh trên cơ sở tận dụng tài nguyên thiên hiên và công sức lao động mà phải tổ chức lại sản xuất, có hình thức phù hợp.
Về câu hỏi của ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về chống sạt lở đê biển và giải pháp chống xâm nhập mặn, Bộ trưởng cho biết bản thân cũng ngạc nhiên trước thực tế sạt lở càng ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Cà Mau mỗi năm mất 200ha, có năm lên tới gần 300 ha đất. Vì thế nên tôi chia sẻ sự quan ngại của ĐB. Các vùng từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, kể cả Tiền Giang đang sạt lở nghiêm trọng. Bộ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ các tỉnh trên.
Về hỗ trợ tái định cư cho cư dân vùng thuỷ điện Hoà Bình như ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nêu, Bộ trưởng cho biết, đã có nhiều hỗ trợ đời sống cho bà con thuộc vùng tái định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Mỗi tỉnh đã thành lập một đề án và được phê duyệt. Cụ thể là phê duyệt 4053 tỷ đồng với tỉnh Hoà Bình và 1396 tỷ đồng với tỉnh Sơn La để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ rừng, cải thiện nhanh hơn đời sống của đồng bào.
Các Đề án này thực hiện giai đoạn 2016-2020 ở Hoà Bình và giai đoạn 2011-2017 ở Sơn La. Các tỉnh hiện đang đệ trình những dự án cụ thể lên Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính để thẩm định theo Luật đầu tư công.
16:31 17/11/2015
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) về cấp chứng chỉ hành nghề cho nha công, là các thợ làm răng. Hình thức này tồn tại trước giải phóng, chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) về giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong suốt thời gian qua, giá thuốc rất ổn định, không có tăng đột biến. Năm 2013-2014 khi thực hiện Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính cho thấy chi phí về thuốc từ Quỹ BHYT giảm từ 30-35%, thuốc nội dùng tăng lên 2 lần. Gần đây, tháng 3/2015, Tổ chức CMS của quốc tế khảo sát giá thuốc cho thấy giá thuốc Việt Nam bằng 0,79 lần mặt bằng giá thuốc khu vực Đông Nam Á.
Hạn chế hiện nay là giá thuốc tại các địa phương không giống nhau, các cửa hàng bán lẻ không kê khai minh bạch niêm yết giá để người dân có sự lựa chọn nơi mua. Thực hiện Luật Đầu tư, Bộ Y tế đang xây dựng thông tư về đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia, ban hành danh mục thuốc tập trung quốc gia... đều là những lần đầu tiên thực hiện. Với sự đổi mới hy vọng thời gian tới giá thuốc sẽ thấp hơn nữa, không có sự chênh lệch giữa các địa phương với nhau.
16:24 17/11/2015
Trả lời câu hỏi về thanh tra tại SCIC, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua 9 năm có 9 lần kiểm toán độc lập tại SCIC theo quy định, ngoài ra còn có 10 cuộc thanh tra của các bộ, ngành liên quan và kết quả của các cuộc thanh tra đều đã được công bố.
Về việc thực hiện tiếp nhận và thoái vốn tại các DN nhà nước, thời gian qua, SCIC đã tiếp nhận 980 DN với hơn 8.500 ty đồng, bán vốn tại 811 DN, trong đó đã bán hết vốn tại 733 DN, đạt tổng doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng, thặng dư 5.360 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần. Theo quy định, SCIC được hạch toán phần thặng dư bán vốn vào kết quả kinh doanh và trích lập các quỹ theo quy định, phần còn lại nộp ngân sách và được tiếp tục dùng để đầu tư. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, SCIC mới làm tốt chức năng tiếp nhận và thoái vốn, còn việc đầu tư của SCIC hiện chưa nhiều.
Trả lời chất vấn căn cứ xác định mức thu phí, hoàn vốn các dự án BOT giao thông, Bộ trưởng Tài chính cho biết, theo quy định, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, đề xuất dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết dự án và khai thác kinh doanh... Do mỗi dự án giao thông có điều kiện rất khác nhau, nên căn cứ tổng mức đầu tư, địa điểm đặt trạm, lưu lượng phương tiện qua trạm, dự báo lưu lượng qua trạm trong tương lai..., Bộ Giao thông và các cơ quan liên quan sẽ tiến hành xây dựng đề án và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, từ đó xây dựng phương án hoàn vốn của dự án. Bộ trưởng khẳng định, quá trình xây dựng văn bản thu phí là công khai, minh bạch, chưa thấy có hiện tượng xin-cho hay “chạy” mức thu phí trong các hợp đồng BOT.
16:11 17/11/2015
Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) trao đổi thêm, qua phần trả lời của Viện trưởng Viện KSND tối cao chiều 16/11 về vụ án BQL chợ Đồng Xoài, Bình Phước , cử tri mong Uỷ ban Thường vụ QH sớm xem xét, trả lời cụ thể.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói rõ thêm với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về đoạn QL 1 A qua Quảng Nam và báo cáo trước QH, Thủ tướng Chính phủ về những bất cập của con đường này, đề nghị chỉ đạo kiểm tra xem thực hư thế nào để giải toả tâm tư của cử tri.
16:08 17/11/2015
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), về vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm. Phó thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, ngành công an đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tội phạm và đã đạt nhiều kết quả, đặc biệt trong 9 tháng qua. Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2014, cả nước đã khởi tố hơn 60.000 vụ với hơn 91.000 bị can, giảm so với cùng kỳ năm 2014; xử lý 149.000 vụ buôn lậu hàng giả…
Tuy nhiên, đánh giá nghiêm túc, Phó thủ tướng đồng tình với nhận xét rằng, tội phạm còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT) xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ xác định, mang lại cuộc sống an toàn cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực hành động của Chính phủ. Dù còn nhiều phức tạp về ANTT nhưng Việt Nam là đất nước an toàn và đây là thành tựu nổi bật của nước ta.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật; phát động phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, nhất là với các loại tội phạm phi truyền thống; thực hiện tốt phong trào xây dựng văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa; xây dựng lực lượng vững mạnh để đánh mạnh, trúng, liên tục mọi loại tội phạm, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, ở đâu để tội phạm tái diễn thì lãnh đạo chính quyền địa phương, trước hết là người đứng đầu lực lượng công an tại địa bàn phải chịu trách nhiệm; xử lý nghiêm mọi cá nhân, tổ chức bao che cho tội phạm; đẩy mạnh hơn nữa xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí người dân…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
15:59 17/11/2015
Sau giải lao, Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình trả lời thêm chất vấn của ĐB Bùi Văn Xuyền về vụ án bồi thường oan sai đối với ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình). Chánh án TAND tối cao đã cung cấp thêm thông tin để làm rõ về quá trình giải quyết vụ việc. Cuối tháng 11 này hoặc vào đầu tháng 12/2015 tới, TAND tỉnh Thái Bình sẽ đưa vụ án ra xét xử theo đúng trình tự pháp luật
Trong quá trình thương lượng, ông Phi 3 lần yêu cầu, một lần 18 tỷ, một lần 35 tỷ và một lần 54 tỷ. Với mức bồi thường quá cao nên thương lượng không thành. Sau đó ông Phi khởi kiện. Như vậy việc này lỗi để chậm giải quyết có yếu tố khách quan lúc đó chưa có Luật. Lúc có luật phải theo trình tự qua thương lượng. Lỗi thứ hai là do của toà án sửa sai lúc bấy giờ và lỗi thứ 3 là bản án phúc thẩm lần một không đúng để bị huỷ, xử lại. Với kiến nghị của ĐBQH, Chánh án cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc nhắc nhở để TAND tỉnh Thái Bình đưa ra xét xử theo đúng quy trình.
15:32 17/11/2015
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn của ĐB về vụ án Hứa Thị Mộng Hoa (Đà Nẵng), do các ý kiến khác nhau, vụ việc được báo cáo Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng, giao Ban Nội chính Đà Nẵng họp liên ngành tố tụng để thống nhất đường lối xử lý với vụ án.
Ngày 15/12/2014, Ban Nội chính Đà Nẵng tổ chức cuộc họp, liên ngành thống nhất không có dấu hiệu phạm tội nên đình chỉ điều tra. Chị Hoa là một doanh nghiệp, đi vay của Techcombank từ 2008 đến 2011 khoảng 40 tỷ để kinh doanh các loại, trong đó có BĐS, trong đó trả được 30 tỷ, còn lại 10 tỷ, đã thế chấp bằng nhà cửa, BĐS, ô tô, trong đó có 27 thùng sim điện thoại. Chị Hoa đã lấy sim điện thoại ra để bán và đưa thùng sim giả vào thế chấp. Việc đưa thùng giả vào theo lời khai chị Hoa là cán bộ ngân hàng biết và đồng ý lấy ra cho chị bán vì sim để đó không sinh lời, lấy ra bán lấy tiền trả ngân hàng. Sau đó, phía ngân hàng với chị Hoa, cho đến thời điểm cơ quan tiến hành tố tụng, bàn vẫn xác nhận nợ và nghĩa vụ trả nợ với nhau. Ngân hàng khẳng định không có thiệt hại gì và không yêu cầu khởi tố vụ án. Các cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố vụ án vì cho rằng có 2 yếu tố cấu thành cơ bản của tội lừa đảo là phải có hành vi gian dối và có hành vi chiếm đoạt. Hành vi gian dối chị Hoa có nhưng hành vi chiếm đoạt không chứng minh được. Trước câu hỏi ĐB nêu, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết sẽ kiểm tra lại và báo cáo ĐBQH
15:24 17/11/2015
Trả lời các chất vấn thuộc lĩnh vực mình phụ trách, Bộ trưởng Thể thao Văn hóa và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, ngành du lịch thời gian qua đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, từ năm 2010 đến nay đã tăng trưởng 1,6 lần và cuối năm nay có khả năng đạt 230.000 tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD.
Về ý kiến so sánh du lịch Việt Nam với Lào, Campuchia, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam cùng Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đã cam kết “5 quốc gia, 1 điểm đến”. Việt Nam mong muốn du lịch Lào, Campuchia phát triển mạnh hơn nữa, vì qua đó Việt Nam cũng hưởng lợi. Tất nhiên, từ cách làm du lịch của các nước bạn, Việt Nam cũng học được nhiều bài học kinh nghiệm để phát triển du lịch trong nước.
Về phát triển du lịch trong nước, theo Bộ trưởng, Việt Nam đang đứng trước những đặc điểm cơ bản: chính trị xã hội ổn định; danh lam thắng cảnh phong phú và đa dạng; ẩm thực phong phú, hấp dẫn; người dân thân thiện, mến khách… Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho du lịch của nước ta còn hạn chế. Để đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam thành ngành mũi nhọn thì ngành du lịch phải tham gia vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành khác phát triển (giao thông, công nghiệp, thương mại, y tế…), giải quyết lao động (hiện ngành du lịch giải quyết 3,8 triệu lao động mỗi năm), nâng cao đời sống nhân dân, góp phần bảo tồn, phát triển các khu du lịch quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước...
Thời gian tới, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch sẽ đề xuất bổ sung sửa đổi Luật Du lịch cho phù hợp với tình hình hiện nay, dự kiến trình tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV; tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghị quyết chính phủ về phát triển du lịch. Vừa qua, chính phủ đã đồng ý miễn thị thực cho 5 nước châu Âu, tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng ý miễn thị thực cho khách du lịch đi theo tour của các công ty lữ hành…
Bộ trưởng Thể thao Văn hóa và Du lịch Hoàng Tuấn Anh |