Trung Quốc cần thể hiện đúng vai trò một nước lớn trong vấn đề Biển Đông
Thế giới - Ngày đăng : 16:24, 07/07/2016
Bài viết của Tiến sỹ Seo In-kwon đăng trên tờ Thời báo Môi trường Hàn Quốc. |
Dưới tiêu đề: “Vai trò của nước lớn đối với hòa bình tại Biển Đông”, bài viết bằng tiếng Hàn của Tiến sỹ Seo In-kwon thuộc Viện nghiên cứu Khoa học xã hội Châu Á của Hàn Quốc đăng trên Tờ thời báo Môi trường Hàn Quốc (hkbs.co.kr, một trong 5 tờ báo in tiếng Hàn lớn nhất tại nước này, số ra hàng ngày) gần đây đã cho rằng việc Trung Quốc đơn phương khẳng định chủ quyền và thực hiện các quyền liên quan trong khu vực chưa được giải quyết xong các tranh chấp về chủ quyền đảo và biên giới trên biển là không có căn cứ pháp lý theo luật quốc tế.
Những hành vi này là phi pháp, uy hiếp đến hòa bình và an ninh quốc tế, gây nguy hại cho mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia xung quanh. Tác giả cũng kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là người nắm giữ thăng bằng quyền lực ở Đông Á, cần phải thể hiện được vai trò của một nước lớn.
Theo tác giả, nước lớn thì phải có những chính sách và thực hiện như một nước lớn thì mới có thể nhận được sự tôn trọng dành cho một nước lớn. Dưới đây là toàn văn nội dung bài viết:
Sau Chiến tranh Lạnh, sự cạnh tranh nhằm bảo đảm nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên tại khu vực Đông Á đang trở nên rất quyết liệt. Đặc biệt là những mâu thuẫn xung quanh quyền kiểm soát vùng biển Hoa Đông và Biển Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Ngoài ra, ở đây còn có sự cạnh tranh bá quyền trong khu vực cũng như các quan hệ mang tính chiến lược nhằm đảm bảo sự ổn định của các tuyến vận tải trên biển. Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN xung quanh vấn đề biển Đông là một ví dụ điển hình.
Kể từ sau khi Ủy ban kinh tế châu Á của Liên Hiệp Quốc công bố về việc có một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí tự nhiên ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông năm 1968, Trung Quốc bắt đầu đề cập đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với các quốc gia có lợi ích liên quan.
Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa, vốn đang được kiểm soát bởi quân đội Việt Nam, chính thức bắt đầu cuộc tranh giành lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988 đã diễn ra sự kiện hạm đội Trung Quốc tấn công và đánh chìm hạm đội của Việt Nam.
Năm 1995, sau khi chiếm khu vực san hô Mischef (bãi Vành Khăn) vốn đang thuộc quyền kiểm soát của Philippines, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các công trình nhân tạo. Hiện nay, trên khu vực Biển Đông, các tàu của Trung Quốc liên tục có các hành động tấn công các tàu thuyền của Việt Nam. Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng khi một mặt tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên biển, mặt khác cản trở các hoạt động khai thác của các quốc gia xung quanh.
Gần đây, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra “đường 9 đoạn”, là một đường giới hạn trên Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc tiến hành san lấp 7 bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam để xây dựng các đảo nhân tạo. Trung Quốc chủ trương coi đây là lãnh thổ của mình và đang tăng cường chi phối trên thực tế đối với khu vực này.
Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng các cơ sở đường băng có khả năng phục vụ mục đích quân sự nhằm mở rộng quyền chi phối trên biển và trên không khiến cho vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Việc Trung Quốc đơn phương khẳng định chủ quyền và thực hiện các quyền liên quan trong khu vực chưa được giải quyết xong các tranh chấp về chủ quyền đảo và biên giới trên biển là không có căn cứ pháp lý theo luật quốc tế. Những hành vi này là phi pháp, uy hiếp đến hòa bình và an ninh quốc tế, gây nguy hại cho mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia xung quanh.
Việc đơn phương đưa ra “đường 9 đoạn” cũng vi phạm đến khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia xung quanh, trái với công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), do đó đây là một quan điểm phi lý của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ.
Những ngày qua, Trung Quốc lại cho thấy một hình ảnh khác khi chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” và giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình thông qua hợp tác thăm dò cùng các quốc gia xung quanh.
Việc sử dụng vùng Biển Đông và biển Hoa Đông một cách hòa bình liên quan đến lợi ích sống còn không những của các quốc gia ASEAN mà còn đối với các nước sử dụng tuyến vận tải trên biển như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản...
Trung Quốc với tư cách là người nắm giữ thăng bằng quyền lực ở Đông Á, thì phải thể hiện được vai trò của một nước lớn. Trung Quốc phải nỗ lực tăng cường mối quan hệ đồng hành với các quốc gia liên quan, đồng thời hợp tác cùng phát triển khu vực phân tranh. Trung Quốc phải nỗ lực giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình trên tinh thần tôn trọng các quyền tự do đi lại theo luật quốc tế và công ước LHQ về Luật biển.
Khu vực Biển Đông là khu vực rất quan trọng không những đối với các nước ASEAN mà còn quan trọng đối với an ninh của khu vực Đông Á. Do đó, để phòng ngừa các xung đột vũ trang thì cộng đồng quốc tế phải phối hợp cùng Trung Quốc và các nước ASEAN tích cực thiết lập các quy chế an toàn.
Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách đối ngoại hợp tác hai bên cùng có lợi với tư cách là một nước lớn. Trong mối quan hệ với các nước ASEAN, Trung Quốc cũng thể hiện mong muốn hình thành mối quan hệ “cộng đồng chung Trung Quốc – ASEAN” và thiết lập quan hệ đối tác ưu tiên về hợp tác trên biển.
Hy vọng, Trung Quốc sẽ lấy phương châm chính sách đó làm nền tảng, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia ASEAN về kinh tế biển, bảo vệ môi trường và an ninh trên biển, đồng thời tìm ra các phương án giải quyết tranh chấp trên khu vực Biển Đông để tạo nền tảng cho phát triển hòa bình tại khu vực này. Nước lớn thì phải có những chính sách và thực hiện như một nước lớn thì mới có thể nhận được sự tôn trọng dành cho một nước lớn.