Năm 2017, sân bay Tân Sơn Nhất có thể đạt 40 triệu lượt khách
Kinh tế - Ngày đăng : 11:41, 07/07/2016
Theo ông Bình, công suất thiết kế của Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (HKQT TSN) là 25 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, hiện Cảng HKQT TSN đã và đang hoạt động khai thác trong tình trạng quá tải. Cụ thể, năm 2015, sản lượng hành khách thông qua cảng HKQT TSN là 26,3 triệu lượt khách/năm. Dự kiến, cuối năm 2016, con số này sẽ tăng lên khoảng 32 triệu lượt khách/năm. Đến cuối năm 2017, Cảng HKQT TSN dự kiến sẽ phải phục vụ 40 triệu lượt khách/năm.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải và cần được giảm các chuyến bay giờ cao điểm. |
Bay giờ thấp điểm rạng sáng và đêm khuya
Bàn về giải pháp chống quá tải, ông Đỗ Tất Bình cho hay, ACV đã báo cáo với Bộ GT-VT nhóm giải pháp liên quan để đảm bảo chất lượng dịch vụ và phục vụ hành khách tại sân bay TSN trong tình hình quá tải hiện nay.
Theo đó, đối với Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam, ACV đề nghị giảm và giãn cách giữa các chuyến bay nhằm tăng năng lực điều hành bay vào các khung giờ cao điểm. Về phần ACV, song song với phương án mở rộng nhà ga nội địa hiện hữu và xây dựng các nhà để xe ôtô và xe máy, đề nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Quốc phòng để bàn giao một phần đất quốc phòng tại khu vực Cảng HKQT TSN cho ACV để xây dựng thêm một nhà ga nội địa.
Đồng thời, ACV được sử dụng các bến đậu quân sự cho mục đích dân sự, do hệ thống nhà ga và bến đậu hiện hữu không thể mở rộng thêm được nữa.
Cũng theo lãnh đạo ACV, tại Cảng HKQT TSN hiện đang có 3 khung giờ cao điểm và hầu hết các hãng hàng không đều muốn tăng chuyến vào các khung giờ này. Thế nhưng, Bộ GTVT vừa có chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam giảm bớt tần suất các chuyến bay trong các khung giờ cao điểm.
Do đó, ACV đề nghị các hãng hàng không nghiên cứu đề xuất trình Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cho các chuyến bay mới vào các khung giờ khác. “Thực tế tại sân bay TSN, trong khoảng thời gian từ 23h khuya đến 5h sáng hôm sau không có các chuyến bay nội địa nào khai thác”, ACV gợi mở khung giờ bay mới cho các hãng hàng không.
Mặt khác, ACV đã có phối hợp với các ban, ngành liên quan của TP Hồ Chí Minh để nghiên cứu giải pháp về tuyến giao thông ưu tiên đi và đến sân bay, đảm bảo thuận tiện cho hành khách và các phương tiện, nhằm tránh tình trạng ùn tắc như hiện nay.
Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng dịch vụ và phục vụ hành khách, theo ACV thì cần có sự phối hợp với các cơ quan liên quan đến hoạt động của Cảng HKQT TSN như: Cục hàng không Việt Nam, chính quyền TP Hồ Chí Minh, Sở GTVT TP, Công an TP, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không…
Năm 2021 sẽ xây dựng sân bay Long Thành
Thông tin về kế hoạch khởi công xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai) nhằm giảm tải cho sân bay TSN, lãnh đạo ACV cho biết đã đề xuất lên Bộ GTVT. Theo đó, dự kiến đến tháng 4-2021 có thể khởi công dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành.
Về các bước chuẩn bị, ACV cho hay, theo tuần tự của luật pháp hiện hành, các bước chuẩn bị cho việc thực hiện dự án Cảng HKQT Long Thành gồm: Tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách; Tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, sau đó tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Khi được phê duyệt sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật và tiến hành công tác thiết kế kỹ thuật cho dự án. Khi được phê duyệt thiết kế sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công các hạng mục nào đã được thu xếp và phân bổ nguồn vốn để chính thức khởi công dự án.
Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, ACV thông tin, Chính phủ đã đồng ý chủ trương tách thành dự án riêng đối với hạng mục giải phóng mặt bằng, và giao cho tỉnh Đồng Nai làm Chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng này. ACV chỉ yêu cầu trước khi khởi công dự án sẽ nhận được mặt bằng sạch từ tỉnh Đồng Nai để thi công.
Nói về việc đội vốn trong quá trình xây dựng dự án, ACV cho rằng, những số liệu mà các báo có được chỉ là các số liệu ước tính trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và sẽ tính toán chính xác hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi sau này. “Chỉ đến khi hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi thì chúng ta mới biết giá trị tính toán cho từng hạng mục cụ thể là bao nhiêu. Do đó, thời điểm này chúng tôi không thể trả lời câu hỏi trong quá trình thực hiện giai đoạn 1 liệu có bị đội vốn hay không?”, lãnh đạo ACV khẳng định.
Lãnh đạo ACV cũng cho rằng, dự án khi thực hiện có bị đội vốn hay không sẽ còn tùy thuộc vào quá trình quản lý và thực hiện dự án. Với tư cách là Chủ đầu tư, ACV mong muốn sẽ tính toán được tổng mức đầu tư chính xác và hợp lý.
Dự kiến, dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán là 336.600 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ đô la Mỹ, áp dụng đơn giá của năm 2014). Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ đô la Mỹ).