Bảo lãnh cho doanh nghiệp và bài toán nợ công!
Kinh tế - Ngày đăng : 16:12, 07/07/2016
Ảnh minh họa. (Nguồn: tuoitre.vn) |
Theo số liệu của Bộ Tài chính vừa được công khai với báo chí, tính đến hết năm 2015, tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ là gần 26 tỷ USD. Từ năm 2011 - 2015, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 15,6 tỷ USD.
Doanh nhiệp nhà nước nhận được sự bảo lãnh nhiều hơn cả là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam…
Việc Chính phủ thực hiện chính sách bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay vốn để đầu tư vào những lĩnh vực cấp thiết, khó thu hút vốn đầu tư là việc cần làm. Tuy nhiên, chính sách bảo lãnh không phải là “chìa khóa vạn năng”. Nếu bảo lãnh đúng đối tượng, doanh nghiệp nhận được bảo lãnh kinh doanh tốt, nộp thuế đầy đủ, sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Ngược lại, nếu bảo lãnh không đúng đối tượng thì cái giá phải trả rất lớn, vì phần lớn số tiền bảo lãnh đều từ nguồn vay nợ nước ngoài. Mà nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh cũng được tính vào nợ công.
Dù nợ công của Việt Nam hiện vẫn ở ngưỡng an toàn (hơn 62% GDP, trong khi mức trần cho phép là 65% GDP), nhưng nhiều thách thức cho nền kinh tế đang đặt ra: Kỳ hạn trả nợ các khoản vay nước ngoài đang ngày càng ngắn lại, áp lực trả nợ rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá dầu thấp, quá trình phục hồi kinh tế chưa vững chắc.
GDP tăng chậm (năm 2015 đạt 4.192.900 tỷ đồng), nhưng phải dành hơn 10% ngân sách để trả nợ sẽ tiềm ẩn rủi ro cho việc phát triển kinh tế, thậm chí có thể phải giảm chi cho giáo dục, y tế và một số lĩnh vực quan trọng khác.
Doanh nghiệp nhà nước nhận được sự bảo lãnh, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chưa nhận được sự hỗ trợ nhiều, điều đó vừa giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, vừa khó tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít chỉ có nghĩa tương đối, điều quan trọng là “nội lực” doanh nghiệp mạnh hay yếu? Doanh nghiệp ra đời nhiều, nhưng chỉ trông chờ vào sự bảo lãnh, hỗ trợ của nhà nước hoặc lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn ngân hàng, thì khó có thể trụ hạng trên thương trường, tăng gánh nặng cho nhà nước. Có thể nói, rất nhiều doanh nghiệp Việt không chỉ thiếu vốn, mà còn yếu về trình độ ứng dụng khoa học, công nghệ. Vậy nên, có ý kiến cho rằng, chúng ta đang thiếu doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm, hàng hóa theo chuẩn quốc tế, nhưng lại thừa doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ mang tính nhất thời!
Kinh tế Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để nói không với việc vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu quá lệ thuộc vào nguồn vốn vay, thì sẽ khó kiểm soát được nợ công. Việc cần làm ngay lúc này là rà soát lại việc bảo lãnh cho doanh nghiệp để có “kịch bản” ứng phó hợp lý, đồng thời đặt ra lộ trình giảm bảo lãnh cho những dự án, công trình trọng điểm chưa cần thiết và cấp thiết.
Sức dân vốn hữu hạn, giảm nợ công chính là... “khoan sức dân”!