Doanh nghiệp mạnh, nền kinh tế khỏe
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:46, 09/07/2016
Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng, thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân thông qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa như tăng cường việc tiếp cận nguồn lực và các cơ hội kinh doanh (về tín dụng, thị trường, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thông tin…), hỗ trợ nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, quy mô, năng lực cạnh tranh… Đặc biệt, đã có nhiều cơ chế chính sách được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển như Nghị quyết 30c/NQ-CP (Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020); Nghị quyết 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử, Nghị quyết 35/NQ-CP về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020… Cùng với đó, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7-2016 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (dự kiến tháng 10-2016).
Hai phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính dự thảo, để trình Chính phủ, đưa ra xin ý kiến Quốc hội trong thời gian tới cũng là một trong những giải pháp được các ngành chức năng tham mưu thực hiện nhằm mục tiêu trên.
Cùng với hai phương án giảm thuế đang được dự thảo, có thể thấy, trong thời gian qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính và triển khai nhiều giải pháp trong chính sách thuế đã phát huy tác dụng thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó; đồng thời có thêm nguồn lực thực hiện việc tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, có điều kiện tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu. Những kết quả thu được bước đầu là rất tích cực, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Cụ thể, trong báo cáo mới đây được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 3 bậc (từ xếp thứ 93 lên 90), với 5/10 chỉ số được cải thiện; chỉ số chung về thuế tăng 5 bậc; đồng thời WB cũng ghi nhận những cải cách của Việt Nam về khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, riêng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội đã giảm 102 giờ, cải thiện 4 bậc…
Những con số nêu trên là khá quan trọng bởi khi chúng ta có thứ hạng cao thì cũng đồng nghĩa với việc môi trường cho kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, các doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động và tỷ suất lợi nhuận, lãi ròng của doanh nghiệp tăng. Khi các doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển thì bên cạnh cơ hội về việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, chúng ta sẽ không lãng phí những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, đồng thời nền kinh tế đất nước sẽ có những bước phát triển mới khi từng “tế bào” hợp thành không ngừng lớn mạnh và thể hiện trách nhiệm với lợi ích quốc gia, dân tộc. Nói cách khác, doanh nghiệp có mạnh thì nền kinh tế mới khỏe để phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Kết quả thu được là rất quan trọng. Nhưng thực tế cho thấy chặng đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. Ví dụ ngay trong lĩnh vực thuế, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020, Việt Nam là một trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế, trong đó chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội là 155 giờ; tối thiểu 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; 65% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet và 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan chức năng cung cấp…
Những mục tiêu này vừa là đích đến, song cũng chính là hành động thiết thực mà mỗi cấp, mỗi ngành cần tập trung thực hiện tốt. Chỉ có vậy mới thật sự tạo ra môi trường tích cực hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.