Ẩn họa khôn lường!

Xã hội - Ngày đăng : 06:20, 09/07/2016

(HNM) - Nhiều quán ăn đã khiến giấy vệ sinh “lên đời” khi đặt chúng trên bàn ăn để các “thượng đế” tùy nghi sử dụng, từ lau bàn ghế, chén đũa cho đến lau miệng… Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng giấy vệ sinh để thay thế cho giấy ăn trong một thời gian dài có thể gây hậu quả khôn lường!


Giấy nào... chẳng là giấy?

Trên thực tế, giá thành của khăn giấy cao gấp đôi, gấp ba so với giấy vệ sinh. Đó là lý do khiến ngày càng có nhiều quán ăn sử dụng sai chức năng của giấy vệ sinh. Bước chân vào bất cứ quán, điều dễ nhận thấy là trên mỗi bàn ăn, chủ quán đều đặt một cuộn giấy vệ sinh trong hộp và thực khách lấy ra để lau mọi thứ...

Một số quán ăn vẫn sử dụng giấy vệ sinh làm giấy ăn cho thực khách.


Chị Hoàng Yến (ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho rằng, vì giấy ăn được dùng miễn phí nên hàng quán thường không quan tâm đến chất lượng, không muốn bỏ nhiều tiền cho loại hàng hóa mà họ không thu được gì từ đó. Một lần, ghé vào quán phở ở gần cơ quan, khi chị Yến thắc mắc về việc quán ăn để giấy vệ sinh trên bàn để khách lau bát, thìa và lau miệng thì nhận được phản ứng khó chịu của chủ quán: “Giấy nào mà chẳng là giấy. Quán ăn bình dân chứ có phải khách sạn năm sao đâu mà đúng chuẩn!”. “Giá thành khác nhau nên dĩ nhiên là công nghệ, nguyên liệu và quy trình sản xuất giấy ăn và giấy vệ sinh cũng khác nhau rất nhiều. Vì vậy, nếu vô tư biến giấy vệ sinh, thậm chí giấy không đủ chuẩn “đi toilet” thành giấy ăn thì sẽ gây hại cho sức khỏe của người dùng” - chị Hoàng Yến nói.

Nhưng loại "giấy ăn" đã nói ở trên chưa phải là thứ tồi tệ nhất mà các chủ quán đưa lên bàn ăn. Tại nhiều quán ăn bình dân ở gần trường học, khu công nghiệp, bến xe, bệnh viện và khu trọ của sinh viên, công nhân, chủ quán còn nhập loại giấy vệ sinh kém chất lượng hơn nữa để thay cho giấy ăn. Đó là loại giấy có màu xám, màu nâu hoặc màu trắng nhưng mặt giấy nhám, loang lổ tạp chất. Loại giấy này đang được giao bán tràn lan và có giá rất rẻ. Hiểm họa rõ ràng là thế nhưng đa số những người được hỏi về tác hại lâu dài của việc lạm dụng loại "giấy ăn không ra giấy" để chùi miệng đều lắc đầu, nói không biết. Họ nói rằng mình đã quen sử dụng và chưa thấy tác hại gì, nếu không có giấy ăn chuẩn thì dùng tạm giấy vệ sinh cũng được, đơn giản vì “có còn hơn không”.

Tác hại lâu dài đối với sức khỏe

Đề cập tới vấn đề sử dụng giấy vệ sinh không đúng chức năng và tác hại có thể đến với người dùng, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Mỗi loại giấy đều có chức năng khác nhau, do vậy, chúng cũng đòi hỏi các quy chuẩn khác nhau. Như giấy ăn và giấy vệ sinh cùng được sản xuất từ bột giấy, tuy nhiên, nguồn nguyên liệu bột giấy là khác nhau. Theo đúng quy chuẩn, giấy ăn được sản xuất từ các nguồn bột giấy thiên nhiên có hàm lượng xenlulozơ cao. Trong khi đó, nguồn bột giấy dùng cho việc sản xuất giấy vệ sinh chủ yếu là nguyên liệu tái chế, hàng phế thải như giấy báo, giấy viết, giấy in, bìa carton, bao xi măng… được hòa tan trong NaOH và qua công nghệ loại bỏ mực in, tẩy trắng... “Nếu không được xử lý tốt trong quy trình tái chế, giấy vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ gây hại lớn cho sức khỏe của người dùng” - ông Hoàng Đức Hạnh khẳng định.

Theo bác sĩ Chu Hoàng Giang, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, sử dụng giấy vệ sinh là một việc cần cân nhắc kỹ. Giấy vệ sinh không thể thay thế giấy ăn, đó là một chuyện. Vấn đề khác cần lưu ý là giấy vệ sinh, nếu không đạt chuẩn, kém chất lượng thì không nên sử dụng trong nhà vệ sinh, bởi dễ gây nhiễm trùng cho cơ quan sinh dục. Giấy vệ sinh loại thô, cứng mà được dùng thay cho giấy ăn thì có thể làm xây xát niêm mạc, làm tổn thương da.

Chung quan điểm nói trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc dùng giấy vệ sinh để lau có thể khiến miệng bị dính mủn giấy, bị ảnh hưởng bởi hóa chất tẩy trắng và tăng trắng... Đáng lo ngại hơn là nhiều cơ sở lạm dụng chất tẩy trắng, phẩm màu, thuốc nhuộm nên trong giấy vệ sinh có hóa chất tồn dư, không đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Bộ Y tế.

Để hạn chế bệnh tật từ giấy vệ sinh, người dân nên bỏ thói quen dùng giấy vệ sinh thay cho giấy ăn lau miệng, đồ dùng ăn uống. Cũng không nên ham rẻ mà mua những loại giấy ăn, giấy vệ sinh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Phương Thu