Tỷ lệ trẻ em gái từ 15-19 tuổi có chồng cao gấp 3 lần tỷ lệ nam giới trẻ có vợ

Xã hội - Ngày đăng : 14:33, 09/07/2016

(HNMO)- Sáng 9-7, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ)- Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ diễu hành và Mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới (11/7).



Ảnh: Dương Ngọc


Thông tin tại buổi lễ cho thấy, dân số Việt Nam hiện nay khoảng 91 triệu người, trong đó số trẻ em gái từ 0 đến 19 tuổi là 14,22 triệu người. Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ trẻ em gái từ 15 tuổi đến 19 tuổi có chồng là 9,6%, cao gấp 3 lần tỷ lệ nam giới trẻ có vợ. Điều đáng nói là trong 5 năm gần đấy, tỷ lệ trẻ em gái kết hôn ở nhóm tuổi 15 – 19 tuổi luôn tăng. Ước tính, khoảng 1/5 phụ nữ trẻ có chồng và sinh con trước tuổi 19, phổ biến ở vùng nông thôn.

Về sức khỏe sinh sản, nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt động tình dục đang tăng lên ở nhóm tuổi vị thành niên, trong khi đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở các đối tượng chưa kết hôn lại rất thấp. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm số trường hợp nạo phá thai ở vị thành niên chiếm khoang 1/5 tổng số các trường hợp.

Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên là chủ đề của ngày Dân số thế giới năm nay. Theo UNFPA, trẻ em gái vị thành niên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa. Ở nhiều quốc gia, một em gái khi đến tuổi dậy thì đã bị gia đình và cộng đồng cho là đã sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Em có thể bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, bị ảnh hưởng tới sức khỏe do phải sinh nở trước khi cơ thể sẵn sàng cho việc đó.

Việt Nam đang trải qua thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử của nước ta. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể xây dựng kế hoạch cho thời kỳ chuyển đổi dân số này, tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng giúp phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên cần đầu tư toàn diện trong đó ưu tiên hàng đầu vào lĩnh vực giáo dục và sức khỏe sinh sản. Nếu được quan tâm trong thời vị thành niên, trẻ em gái sẽ có cơ hội phát huy hết tiềm năng, đồng thời sẽ có cơ hội để nhận các quyền mà mình được hưởng.

Ngày Dân số Thế giới 2016, Bộ Y tế và UNFPA kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa cho trẻ em gái, giúp xây dựng một thế giới mà mỗi lần mang thai đều được mong đợi, mỗi ca sinh nở đều được an toàn và mỗi người trẻ đều được phát triển hết tiềm năng của mình. Trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu công tác DS-KHHGĐ cũng được đặt ra là quy mô dân số không quá 98 triệu người, tốc độ tăng dân số 1%/năm; giảm 30% số ca nạo phá thai ở vị thành niên/thanh niên hiện nay; 50% bà mẹ được sàng lọc trước sinh và 80% trẻ sơ sinh được sàng lọc; triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung nâng cao chất lượng dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đầu tư chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Trong khuôn khổ lễ mít tinh, Ban tổ chức đã tổ chức các gian trưng bày sản phẩm và truyền thông tư vấn về sức khỏe sinh sản cho thanh niên và vị thành niên, tư vấn tiền hôn nhân cho các đối tượng.

Gia Phong