Bảo đảm quyền lợi của thí sinh

Giáo dục - Ngày đăng : 06:17, 09/07/2016

(HNM) - Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, trước ngày 20-7, công tác chấm thi của các trường phải được hoàn tất. Vì thế, những ngày này, công tác chấm thi đang được khẩn trương thực hiện với yêu cầu đặt ra đối với các hội đồng là phải thực hiện nghiêm quy định, khách quan, công bằng, minh bạch nhằm bảo đảm quyền lợi

Các hội đồng thi tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ giáo viên chấm thi nhằm bảo đảm công bằng cho thí sinh. Ảnh: Dương Hà



Thảo luận kỹ để thống nhất cách chấm

Do thời hạn hoàn thành chấm thi ngắn hơn mọi năm, các trường đại học (ĐH) đều phải chủ trì hoặc hỗ trợ một điểm thi nào đó, nên phần lớn các cụm thi đều phải kết hợp với địa phương, các trường THPT để có thể hoàn thành công tác chấm thi theo kế hoạch.

Chủ trì một trong 5 cụm thi ĐH, Trường ĐH Thủy lợi đã huy động 250 giáo viên, giảng viên từ các trường THPT và ĐH tham gia chấm thi. Bên cạnh đó, trường cử 110 giảng viên làm công tác thư ký để kiểm tra lại các bài chấm. Để hạn chế sự "vênh điểm" trong kết quả chấm thi giữa các thành viên, các hội đồng chấm thi của cụm yêu cầu bộ môn phải tổ chức chấm thi tập thể tối thiểu là 10 bài để tạo điều kiện cho cán bộ thảo luận, thống nhất cách chấm. Ở tất cả các phòng chấm bài thi các môn trắc nghiệm, Trường ĐH Thủy lợi bố trí camera giám sát để đề phòng sai sót, tiêu cực. Nhà trường cho biết, việc chấm thi có thể hoàn thành vào ngày 13-7.

Ông Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, toàn bộ bài thi trắc nghiệm của thí sinh thuộc cụm trường này sẽ do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT phụ trách. Trường chỉ cử 50 giảng viên chấm các bài thi môn toán. Các môn tự luận còn lại như văn, sử, địa sẽ được giao cho các giáo viên THPT của Hà Nội chấm... Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có lực lượng chấm thi hùng hậu, có thể chấm cả những môn tự luận và trắc nghiệm. Năm nay, trường chấm đồng thời bài thi của thí sinh dự thi tại cụm thi do mình chủ trì và bài thi từ các cụm khác chuyển về.

Tại khu vực phía Nam, ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh thuộc Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Toàn bộ bài thi của cụm thi tỉnh Tây Ninh, do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh tổ chức, đã được chuyển về TP Hồ Chí Minh để chấm, trong đó có khoảng 19.000 bài tự luận. Dự kiến tới ngày 15-7, các bài thi sẽ được chấm xong, sau đó sẽ được kiểm dò, ráp phách rồi chuyển dữ liệu cho Bộ GD-ĐT. Hội đồng thi huy động 200 giáo viên chấm thi.

Còn ông Lê Quang Thành, Trưởng phòng Đào tạo thuộc Trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, trước khi chấm thi, Hội đồng chấm thi sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên, họp tổ trưởng các môn rồi lấy mỗi môn 1 túi bài ngẫu nhiên để chấm thử, rút kinh nghiệm, sau đó mới chấm đại trà.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cụm thi do trường tổ chức có 14.093 bài thi môn toán, cần khoảng 90 giáo viên chấm. Trong khi đó, môn văn có 13.601 bài thi nhưng cần tới 150 người chấm vì việc chấm môn văn cần nhiều thời gian. Dự kiến tới ngày 17-7, việc chấm thi sẽ hoàn tất...

120 cụm thi tham gia công bố điểm

Về công tác chấm thi năm nay, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục lưu ý, các trường cần cập nhật phần mềm chấm thi trắc nghiệm mới. Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 có sự thay đổi về quy định làm tròn điểm với bài thi trắc nghiệm. Cụ thể, tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.

Thí sinh làm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia.Ảnh: Nhật Nam



Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, các Sở GD-ĐT tuân thủ việc chấm thi hai vòng độc lập, chấm kiểm tra chéo đối với 5% số bài thi, không bỏ sót hồ sơ chấm phúc khảo. Năm nay, Bộ quy định điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (năm 2015, chỉ các môn khoa học tự nhiên có bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên có quy định tương tự, còn bài thi các môn khoa học xã hội phải lệch 1 điểm trở lên thì mới tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo). Quy định mới này thể hiện chủ trương bảo đảm quyền lợi của thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng.

Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, với việc ra đề mở, Bộ GD-ĐT cũng xây dựng đáp án mở. Bộ đã tổ chức tập huấn, chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cán bộ chấm thi, không yêu cầu cán bộ chấm thi phải "đếm ý cho điểm", mà lưu ý chấm những nội dung mang tính chất chìa khóa, đáp ứng mục tiêu câu hỏi. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cho biết, theo quy chế, không có quy định nào về việc cộng điểm thưởng cho những câu trả lời xuất sắc, sáng tạo.

Trước khi công bố kết quả thi, các hội đồng chấm thi phải so sánh giữa kết quả thi lưu tại hội đồng với kết quả thi được cập nhật vào Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT. Đề phòng trường hợp nghẽn mạng khi công bố điểm, Bộ GD-ĐT đã cung cấp thông tin cho tất cả 120 cụm thi trên cả nước để làm nhiệm vụ công bố điểm, tránh sự tập trung lượng truy cập quá lớn vào một vài máy chủ như đã xảy ra vào năm ngoái.

Khánh Vũ - Thanh Tàu