Kết nối doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 09/07/2016
Người lao động được đào tạo nghề và làm việc tại cơ sở sản xuất hương Trí Phát, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Anh Tuấn |
Chưa thực sự hiệu quả
Là cơ quan thường trực của thành phố được giao tham mưu thực hiện Quyết định số 1956, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thừa nhận, phản ánh của cử tri có cơ sở, bởi trong quá trình triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” còn gặp khó khăn. Chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các huyện, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn bình quân đạt 82,5%, trong đó chủ yếu là lao động tự tạo việc làm; số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng chỉ chiếm 10%. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa đồng bộ, trong khi một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức được ý nghĩa của việc thực hiện quyết định này đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội. Chưa kể, cho dù trước đó đã điều tra, khảo sát nhưng việc lựa chọn nghề đào tạo ở nhiều huyện chưa đúng với nhu cầu của người dân, nhiều nghề chưa theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Nguyên nhân nữa khiến đào tạo nghề chưa hiệu quả là do một bộ phận người lao động chưa hiểu và tận dụng triệt để sự ưu việt mà chính sách của Đảng, Nhà nước mang lại. Không ít trường hợp đi học theo phong trào hoặc chỉ để được nhận sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước (15.000 đồng/ngày học/người với đối tượng được ưu tiên). Thêm nữa, thời gian đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng), khả năng tiếp thu của các học viên không đồng đều, phần lớn học viên là lao động chính vừa học, vừa làm nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Giải pháp tháo gỡ
Tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện Quyết định số 1956. Để sát đối tượng và nhu cầu thực tế, UBND thành phố đã chỉ đạo các huyện, thị xã điều tra, khảo sát số lượng, phân loại lao động được học nghề giai đoạn 2010-2015, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2016-2020 cụ thể về quy mô, ngành nghề đào tạo gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Kiên quyết thực hiện phương châm chỉ dạy nghề cho lao động nông thôn khi gắn lao động với việc làm sau đào tạo, ngay tại hội thảo "Các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề và đào tạo nguồn nhân lực TP Hà Nội" giữa tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các trường cao đẳng, dạy nghề của thành phố cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp. Việc này nhằm hướng tới mục tiêu: Đào tạo đúng địa chỉ và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trên cơ sở gắn kết chặt chẽ 3 bên: Doanh nghiệp - cơ sở dạy nghề - người học. “Muốn dạy nghề thành công, đòi hỏi cần tối thiểu hai tiêu chuẩn: Trình độ phù hợp với yêu cầu của thị trường và đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động. Đây là hai vấn đề cần lưu ý trong quá trình đào tạo của các trường cao đẳng, dạy nghề” - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đồng thời cho biết, tới đây thành phố sẽ kết nối để các trường dạy nghề đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số nước, từ đó vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn, xây dựng chiến lược đào tạo lâu dài.
Về hướng phát triển của các trường cao đẳng, trung cấp nghề của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ: “Các trường không nên quan niệm phải trông chờ vào ngân sách nhà nước hay sinh viên đóng học phí mà phải biết khai thác, tận dụng nguồn lực xã hội…”. Quan trọng hơn nữa, các trường cao đẳng, trung cấp nghề phải xây dựng thương hiệu của mình, thể hiện bằng chất lượng công nhân, mức lương công nhân được hưởng sau khi ra trường. Đây là cách khẳng định vị thế của mỗi trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thời kỳ hội nhập.
Đi đôi với nâng cao chất lượng các trường dạy nghề, thành phố đặc biệt lưu ý các huyện nâng cao trách nhiệm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, từ khâu xây dựng kế hoạch, lựa chọn ngành nghề đào tạo đến thẩm tra cơ sở đào tạo đủ điều kiện để đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn. Mặt khác, các địa phương phải nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề từ cấp xã trở lên... Với những giải pháp giải quyết từ gốc, cộng với quyết tâm đổi mới công tác đào tạo nghề, hy vọng, nhiều lao động nông thôn sẽ có nghề, sống được bằng nghề sau khi được đào tạo.