Trung Quốc "tấn công quyến rũ" trước thềm phán quyết Biển Đông
Thế giới - Ngày đăng : 09:24, 10/07/2016
Những bài viết do đại sứ Trung Quốc thực hiện đăng trên truyền thông một số nước. |
Theo BBC (Anh) ngày 9/7, những dự đoán phổ biến rằng phán quyết của PCA sẽ bất lợi với Trung Quốc đã không ngăn cản các đại sứ nước này đẩy mạnh việc thuyết phục thế giới rằng Trung Quốc "đứng về lẽ phải".
Các phương tiện truyền thông nhà nước phát hành bằng tiếng Anh (của Trung Quốc) đã đăng tải những đoạn video bằng tiếng Anh bàn về lịch sử Biển Đông và có các mục trên trang web dành riêng để phân tích và thảo luận về vấn đề này.
Hơn thế, trong vài tháng qua, các đại sứ Trung Quốc trên toàn thế giới cũng đã và đang nhằm vào truyền thông nước ngoài, với việc tung các bài viết lên các tờ báo quốc gia để biện hộ về vụ kiện của Philippines.
Tiêu đề của các bài viết không giống nhau, nhưng nội dung thì tương tự. Không ngạc nhiên khi tất cả chúng đều tuân thủ nghiêm quan điểm chính thức của Chính phủ Trung Quốc về vụ tranh chấp.
Phạm vi toàn cầu
Một số quốc gia có các tờ báo đăng tải những bài viết trên là: Singapore, Indonesia, Thái Lan, New Zealand, Malaysia, Fiji, Australia, CH Síp, Anh, Iceland, Macedonia, Đức, Pháp, Kenya, Lesotho, Nam Phi, Ghana, Sierra Leone, Mỹ, Jamaica.
Vậy, mục đích chính của Trung Quốc là gì? Xét cho cùng, công việc của một đại sứ là thúc đẩy lợi ích của đất nước mình ở nước ngoài. "Trong quá khứ, đã có sự thúc đẩy truyền thông như vậy, nhưng thường chỉ đi kèm với các chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc đến một quốc gia cụ thể. Hiếm khi thấy hình thức tiếp cận trên phạm vi toàn cầu kiểu này", Giáo sư Kerry Brown, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc từ Đại học King’s London (Anh) cho biết.
Ông Brown nhấn mạnh: "Gần như chắc chắn là một sự thúc đẩy mang tính phối hợp từ Trung ương (Chính phủ Trung Quốc) tới các đại sứ và những đại diện viết các bài này, nhằm chủ động gửi đi những thông điệp của họ".
Rập khuôn?
Nhiều trong số các bài viết bắt đầu với một bình luận chung chung như sau: "Vấn đề Biển Đông là một chủ đề nóng hiện nay trên các phương tiện truyền thông quốc tế" (trên trang Fiji Sun), hay: "Trong thời gian gần đây, vấn đề Biển Đông đã thu hút sự chú ý của quốc tế" (trên trang Cyprus Mail). Tiếp theo, họ tiếp tục đưa ra những luận điểm sau:
- Có “thông tin sai lạc và/hoặc hiểu lầm” xung quanh các tuyên bố của Trung Quốc
- Quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) là "của Trung Quốc từ thời cổ đại".
- Philippines đã đơn phương kiện Trung Quốc lên PCA.
- Đàm phán song phương, khu vực là con đường nên hướng tới.
- Chủ quyền lãnh thổ không nằm trong phạm vi của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Một số bài viết theo những nội dung trên, trong khi những bài khác được chia thành các điểm nhấn. Chúng khiến người xem có cảm giác như bị rập khuôn, và có lẽ là tất cả bài viết đều theo sát quan điểm chính thức của chính phủ (Trung Quốc) về vấn đề, vốn được cho là nhạy cảm này.
Có lẽ, thông qua những bài viết này, Trung Quốc muốn chứng minh rằng dư luận quốc tế đứng về phía họ - hoặc ít nhất, một số nước ủng hộ họ, bất chấp thực tế là những tuyên bố chủ quyền phi lý và hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đang bị cộng đồng quốc tế lên án.
Trung Quốc cũng không "kén cá chọn canh" những nước mà Bắc Kinh "ve vãn" để ủng hộ trong tranh chấp Biển Đông - Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng hơn 40 quốc gia ủng hộ họ về vấn đề này, dù trên thực tế họ rất mập mờ về chi tiết danh sách, chưa kể một số nước tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh đều có lợi ích quốc gia đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Kerry Brown: "Những bài viết này cho thấy trước hết là Trung Quốc đã lo lắng như thế nào về tác động của phán quyết mà PCA sắp đưa ra, và cũng cho thấy Bắc Kinh đã chủ động nỗ lực nhiều như thế nào hiện nay trong việc sử dụng truyền thông và báo chí phương Tây để truyền đi thông điệp của họ”.