Phải có chiến lược ứng phó

Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 10/07/2016

(HNM) - Sáng 9-7, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7. Theo các chuyên gia dân số, hiếm có quốc gia nào có một cơ cấu dân số đa dạng như nước ta.

Chính sách chăm sóc y tế và phúc lợi đã tác động tích cực đến tuổi thọ người dân. Ảnh: Bá Hoạt


Từ cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam bước sang cơ cấu “dân số vàng”, đồng thời cũng bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nếu chúng ta không có chiến lược ứng phó, những chính sách cũng như mô hình chăm sóc người cao tuổi (NCT) phù hợp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất thế giới

Cách đây không lâu, Việt Nam bước vào giai đoạn “dân số vàng” với tỷ lệ độ tuổi lao động cao gấp 2 lần số người trong độ tuổi phụ thuộc. Thế nhưng, ở thời điểm này, chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế là dân số đã bắt đầu bước sang ngưỡng già hóa hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già”. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ NCT tăng nhanh liên tục từ 7,1% dân số (năm 1989) lên 10,5% (năm 2013).

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng: Từ những thành quả tích cực phát triển kinh tế, chăm sóc y tế và phúc lợi, tuổi thọ người dân tăng cao và đặc biệt là NCT gia tăng nhanh chóng. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 (nhanh hơn 6 năm) so với dự báo. Việt Nam mất khoảng 15-20 năm từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già.

Tốc độ này được nhận định là nhanh nhất thế giới. Trong khi để chuyển sang cơ cấu dân số già, Pháp mất tới 100 năm, Thụy Điển là 85 năm, Hoa Kỳ là 75 năm, Nhật Bản mất 26 năm… “Với tốc độ già hóa dân số siêu tốc như hiện nay, dự báo, đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số (gấp hơn 2 lần hiện nay). Năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam sẽ là quốc gia "siêu già", với hơn 32 triệu NCT (chiếm khoảng 31% tổng dân số). Điều này có nghĩa là, năm 2050, cứ 3 người trong độ tuổi lao động có 1 NCT”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.

Tuổi thọ cao là một thành tựu của Việt Nam nhưng cũng là nỗi lo rất lớn. Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ NCT có sức khỏe tốt chỉ chiếm khoảng 5% và 95% còn lại mắc các bệnh tăng huyết áp (gần 40%), viêm khớp (hơn 30%), bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ, giảm thị lực, thính lực… Theo điều tra về thực trạng sức khỏe NCT mới nhất do Bệnh viện Lão khoa trung ương và Bộ môn Y học gia đình (ĐH Y Hà Nội) thực hiện, trung bình một NCT (từ 80 tuổi trở lên) mắc từ 6 đến 7 bệnh điển hình như: Tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư… Cùng với đó, mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Các con ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình là điều bất lợi đối với NCT. Bởi ở nước ta, hệ thống chăm sóc y tế cho NCT còn thiếu nhiều.

Phải có các giải pháp mang tính chiến lược

Tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) diễn ra mới đây, khi đề cập đến vấn đề già hóa dân số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dân số là một trong những vấn đề chiến lược cần phải được nghiên cứu đầy đủ và có những biện pháp chuẩn bị trước 15-20 năm. Nếu không có các giải pháp căn bản và chiến lược, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già điển hình trên thế giới.

Đề cập đến sự chuẩn bị để ứng phó và giảm thiểu ảnh hưởng của giai đoạn dân số già, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng chương trình hành động và đề án cụ thể về chăm sóc sức khỏe NCT. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn tiền hôn nhân, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đẩy mạnh nâng cao chất lượng dân số...

Theo TS Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, nếu không cảnh báo với xã hội về vấn đề này thì chúng ta sẽ bị lỡ nhịp, không thấy được vai trò, tầm quan trọng và những thách thức phải đối mặt khi bước vào giai đoạn già hóa dân số. “Nếu bạn đang là người trẻ thì hãy chủ động chuẩn bị cho giai đoạn “già” của mình bằng cách lao động làm giàu, tích lũy cho tuổi già. Còn nếu như đã già rồi thì lúc này không còn gọi là “già hóa chủ động” được nữa nhưng vẫn có thể chủ động phát huy những khả năng, vai trò cống hiến cho gia đình, cho xã hội và cho chính bản thân”, TS Dương Quốc Trọng nhấn mạnh.

Việt Nam đang trải qua thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với tỷ lệ thanh, thiếu niên cao nhất trong lịch sử. Nhóm dân số từ 10 đến 24 tuổi chiếm gần 40% dân số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể xây dựng kế hoạch cho thời kỳ chuyển đổi dân số, tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội như một số quốc gia Châu Á đã thành công, bằng việc bảo đảm rằng tất cả các nhóm dân số đều được quan tâm, mỗi thanh, thiếu niên đều được giáo dục và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình.

Ngày Dân số thế giới 2016, Bộ Y tế và UNFPA kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa cho trẻ em gái, giúp xây dựng một thế giới mà mỗi lần mang thai đều được mong đợi, mỗi ca sinh nở đều được an toàn và mỗi người trẻ đều được phát triển hết tiềm năng của mình. Trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu công tác DS-KHHGĐ cũng được đặt ra là quy mô dân số không quá 98 triệu người, tốc độ tăng dân số 1%/năm; giảm 30% số ca nạo phá thai ở vị thành niên, thanh niên hiện nay; 50% bà mẹ được sàng lọc trước sinh và 80% trẻ sơ sinh được sàng lọc; triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung nâng cao chất lượng dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đầu tư chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...

Thu Trang