Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:36, 11/07/2016
Từ những vi phạm này dẫn đến bệnh nhân phải chịu mức giá dịch vụ cao nhưng chất lượng chưa bảo đảm. Đây là nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người bệnh. Để hệ thống YTTN thực sự phát huy hiệu quả, hoạt động đúng hướng, không bị chi phối bởi mặt trái cơ chế thị trường thì yêu cầu công tác quản lý phải theo kịp tình hình, đặc biệt theo hướng rõ người, rõ việc và rõ trách nhiệm là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay.
Hà Nội hiện có gần 3.000 cơ sở YTTN và để “quản” một lượng lớn gấp nhiều lần con số đó người hành nghề tương ứng ở các đơn vị này, thì với vài chục nhân sự làm công tác quản lý chuyên sâu ở cấp thành phố, quận, huyện, thị xã dù có được tăng thêm bao nhiêu nữa cũng vẫn sẽ là không đủ. Nói vậy để thấy việc cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đối với hoạt động YTTN phải có sự thay đổi so với hiện nay. Bởi hầu hết những sai phạm bị phát hiện đều cho thấy, vai trò của cấp này hầu như là không có, thậm chí “khoán trắng” cho cơ quan quản lý ngành dọc. Cùng với đó, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn cũng làm cho hoạt động hành nghề YTTN còn “vàng thau lẫn lộn”.
Ngành y tế Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở YTTN. Nhưng mọi sự sẽ khó có chuyển biến nếu như vẫn chỉ là kỳ cuộc “đến hẹn lại… kiểm tra” và bệnh “kinh niên” vẫn tồn tại. Vì vậy, để hệ thống kiểm tra ngành dọc và chính quyền sở tại có thể phát huy tốt trách nhiệm của mỗi bên, việc yêu cầu các cơ sở hành nghề YTTN phải niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề là cần thiết. Ngoài ra, danh sách nhân sự tham gia hành nghề cũng như số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế cũng phải được các cơ sở YTTN ghi ở những vị trí thuận lợi, dễ quan sát để phục vụ công tác giám sát của các cơ quan chức năng và người dân khi sử dụng dịch vụ. Trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giám sát việc chấp hành của các cơ sở, đồng thời là thường trực tham mưu cho UBND trong công tác quản lý hành nghề YTTN và có trách nhiệm tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở, các dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Không ai hiểu địa bàn bằng chính đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Một vấn đề nữa được đặt ra là vai trò của truyền thông khi nhận đăng tải nội dung quảng cáo của các phòng khám có yếu tố nước ngoài và bệnh viện tư. Rất cần sự phối hợp kiểm soát của ngành y tế và cơ quan báo chí khi nhận quảng cáo liên quan đến các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập. Đó có thể là một hệ thống dữ liệu trên mạng để tất cả mọi người, mọi tổ chức khi cần tra cứu có thể kiểm tra, nhằm tránh sai sót. Bởi thực tế đã có nhiều bệnh nhân ở xa vì quá tin tưởng vào hình ảnh và nội dung quảng cáo về khám chữa bệnh với những lời lẽ dễ làm mềm lòng người đang gặp bệnh nan y. Vậy là dù có tốn kém đến mấy họ cũng phải thu xếp để mong chữa khỏi bệnh nhưng rồi tiền mất, tật mang.
Công bằng mà nói, nhiều năm qua, chủ trương xã hội hóa y tế đã mang lại nhiều lợi ích, song nếu không có sự quản lý và giám sát chặt chẽ, đặc biệt là từ cơ sở, cộng đồng với mạng lưới YTTN, e rằng sẽ vẫn còn nhiều bất cập và hậu quả đáng lo ngại trong việc tham gia khám chữa bệnh cho người dân.