Bài 1: Vẫn là "bệnh kinh niên"

Xã hội - Ngày đăng : 07:41, 11/07/2016

(HNM) - Chất lượng khám, chữa bệnh của những phòng khám tư vẫn là điều khiến mọi người băn khoăn, bởi công tác quản lý bộc lộ nhiều bất cập... như

Bài 1: Vẫn là "bệnh kinh niên"

Trong hệ thống y tế ngoài công lập, PK tư chiếm vị trí quan trọng. Khi mắc bệnh thông thường, người bệnh thường lựa chọn PK tư, thay vì đến các bệnh viện (BV), vì tại đây, họ không mất nhiều thời gian chờ đợi, có thể khám ngoài giờ hành chính, được thăm khám tận tình và chăm sóc chu đáo hơn. Tuy nhiên, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của những PK tư vẫn là điều khiến mọi người băn khoăn, bởi công tác quản lý bộc lộ nhiều bất cập... như "bệnh kinh niên" chưa có thuốc chữa.


Các phòng khám, hiệu thuốc tư nhân san sát trên phố Phùng Hưng, quận Hà Đông.Ảnh: Khánh Huy


Nhiều như “nấm”…

Tính đến ngày 30-6-2016, trên địa bàn Hà Nội có 2.931 cơ sở KCB ngoài công lập, trong đó có 145 PK đa khoa, 2.221 PK chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, 565 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số quận, huyện gồm: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm… cho thấy, ở những khu vực nào có BV công lập thì quanh đó, cơ sở y tế tư nhân “mọc” lên nhiều như “nấm” sau mưa.

Dọc tuyến đường Phùng Hưng (phường Phúc La, quận Hà Đông), đoạn chạy qua BV Quân y 103, dài chưa đầy một kilômét, nhưng tập trung rất nhiều cơ sở y tế tư nhân, gồm cả BV tư nhân, PK đa khoa, chuyên khoa… và cơ sở dược tư nhân. Theo thống kê của UBND phường Phúc La, trên địa bàn phường hiện có 73 cơ sở hành nghề KCB tư nhân, trong đó có 2 BV đa khoa, 4 PK đa khoa, còn lại là PK chuyên khoa và cơ sở y học cổ truyền. Không chỉ riêng phường Phúc La, hầu hết các phường trên địa bàn quận Hà Đông đều có các cơ sở y tế tư nhân hoạt động và số cơ sở này tiếp tục tăng hằng năm. Toàn quận Hà Đông hiện có hơn 200 cơ sở y tế tư nhân, trong đó phường Văn Quán có 20 cơ sở, phường Quang Trung 24 cơ sở, phường Mộ Lao 18 cơ sở…

Quận Hai Bà Trưng cũng là nơi “hội tụ” khá đông các PK và quầy thuốc tư nhân, tập trung nhiều nhất tại khu vực xung quanh BV Bạch Mai. Chỉ tính riêng địa bàn phường Đồng Tâm, tại các khu dân cư số 1, 2 và 3 nằm ven đường Giải Phóng đã có tới 90 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Tại đây, nhân viên hễ thấy bóng dáng có người đứng gần cửa PK là chạy tới chào mời, đón khách vào khám bệnh…

Sự “nở rộ” của hệ thống PK tư đã đáp ứng nhu cầu KCB đa dạng của người dân, giảm tải cho các BV công. Đó là điều mừng, nhưng đằng sau đó là không ít nỗi buồn, lo, bức xúc của người bệnh. Chị Đỗ Hiền Trang (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) kể, lần nào chồng chị đi nội soi dạ dày tại một cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn quận Ba Đình cũng được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, chụp X-quang, điện tim, thậm chí cả kiểm tra tai, mũi, họng. Lần nội soi gần đây nhất, cách lần khám trước khoảng một tháng cũng bị nhân viên y tế của trung tâm “đè” ra, bắt làm lại đủ loại xét nghiệm, kể cả những xét nghiệm không cần thiết. “Bình thường, chi phí nội soi dạ dày gây mê, kèm xét nghiệm HP chỉ mất khoảng 1,8 triệu đồng. Thế nhưng, do thêm đủ loại xét nghiệm khiến chi phí bị đội lên 3 triệu đồng” - chị Đỗ Hiền Trang phàn nàn.

Không chỉ lạm dụng xét nghiệm, tại không ít PK, bác sĩ vừa khám bệnh, vừa kê đơn, bán thuốc, “pha chế” thuốc, bắt chẹt bệnh nhân để thu lợi. Chị Nguyễn Thị Hằng (đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết, con trai chị 3 tuổi, mỗi lần bị ốm đều đến khám bệnh ở một PK trên đường Giải Phóng, bởi chỉ có uống thuốc ở đây mới nhanh khỏi. Chị Nguyễn Thị Hằng thắc mắc, không biết bác sĩ cho con uống thuốc gì, mỗi lần đưa con đến khám, bác sĩ kê mấy loại thuốc đều không còn vỉ, thậm chí có những viên thuốc được bẻ còn nửa viên. Nếu không lấy thuốc tại PK này, chị cũng không biết mua ở đâu…

Kiểm tra là ra… vi phạm

Ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 tháng (từ 16-11-2015 đến 15-5-2016), Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh, kiểm tra 62 lượt cơ sở, thì có 24 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, với tổng tiền phạt là hơn 430 triệu đồng. Các vi phạm mang tính “kinh niên”, lần thanh tra nào cũng phát hiện là: Quảng cáo dịch vụ KCB khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội dung; sổ KCB ghi chép không đầy đủ theo quy định; không bảo đảm về nhân sự trong quá trình hoạt động; lạm dụng xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng; khám bệnh không đúng phạm vi chuyên môn; quảng cáo không đúng với nội dung đăng ký; sử dụng người nước ngoài làm công việc chuyên môn nhưng không xin phép cơ quan quản lý; sử dụng dược phẩm “chui”…

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với PK y học cổ truyền Việt Tâm (tại 987 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) do mắc nhiều sai phạm. Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, PK này do một bác sĩ người Trung Quốc làm giám đốc phụ trách chuyên môn. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, bác sĩ này không có mặt. Đây là PK chuyên khoa chẩn trị về đông y, nhưng lại treo biển PK đa khoa và chưa có số đăng ký. PK cũng đã tự ý sử dụng một số loại thuốc chưa đăng ký, cấp phép để điều trị cho người bệnh. Trước đó, tháng 9-2015, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiến hành đình chỉ hoạt động KCB và tước chứng chỉ hành nghề 9 tháng (bắt đầu từ ngày 1-10-2015) của hai bác sĩ người Trung Quốc và xử phạt 67,4 triệu đồng đối với PK đa khoa 168 Hà Nội (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) do tại thời điểm kiểm tra, nhân viên y tế không đeo biển tên, chức danh; sổ KCB không ghi đúng theo quy định; cơ sở, trang thiết bị y tế không bảo đảm vệ sinh; bác sĩ vừa kê đơn, vừa bán thuốc…

Đây chỉ là một vài trường hợp trong số rất nhiều cơ sở KCB tư nhân vi phạm. Điều đáng nói, trước sự phát triển nở rộ của hệ thống cơ sở y tế tư nhân, công tác quản lý của cơ quan chức năng lại bộc lộ nhiều bất cập.

Thu Trang - Hằng Dương