Thí sinh không được rút hồ sơ đã đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng
Tuyển sinh - Ngày đăng : 22:17, 11/07/2016
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: VA |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, năm 2015, Bộ GD&ĐT cho thí sinh được phép rút hồ sơ để nộp vào trường khác nhằm đảm bảo cơ hội trúng tuyển cao nhất và giảm ảo cho các trường, tuy nhiên điều này đã gây lộn xộn nhất định ở một số trường có tỷ lệ cạnh tranh cao. Vì vậy, năm nay các em sẽ không được rút hồ sơ, nhưng trong đợt 1 thí sinh được nộp vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng đối với những trường không có tuyển sinh theo nhóm.
Còn với trường tuyển sinh theo nhóm, các thí sinh có thể nộp cả 4 nguyện vọng vào 4 trường trong nhóm. Do đó, thí sinh phải theo dõi thông tin ở các trường, các nhóm trường để nộp hồ sơ vào trường phù hợp.
Thứ hai, khi nộp hồ sơ, thí sinh có thể nộp trực tuyến thông qua mạng internet hoặc gửi qua bưu điện. Một số trường có thể có những phương thức nộp hồ sơ khác, các em theo dõi kỹ thông tin để nộp hồ sơ.
Điều quan trọng là năm nay, sau khi có kết quả xét tuyển vào các trường, các em phải nộp giấy báo kết quả thi đúng thời hạn để khẳng định mình học trường đó. Vì quá thời hạn mà thí sinh không nộp hồ sơ nghĩa là thí sinh không chấp nhận học tại trường và họ sẽ tuyển bổ sung. Đây cũng là điểm mới thí sinh cần lưu ý.
Để tránh xảy ra tình trạng quá tải ở một số trường ĐH trong đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ như năm 2015, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, năm nay việc đăng ký các trường được chọn các phương án đăng ký khác nhau, có thể đăng ký trực tuyến, có thể qua bưu điện, cũng có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.
“Bộ GD&ĐT quy định dù phương án nào, nếu hồ sơ nhận trực tiếp tại trường phải đảm bảo trật tự, không gây bức xúc trong dư luận. Các trường phải tính toán phương án lượng hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp tại trường nhiều hay ít để có phương án phù hợp. Bộ không khuyến khích các trường nhận hồ sơ trực tiếp tránh hiện tượng thí sinh ở xa phải đến các thành phố lớn tốn kém, vất vả. Các em nên nộp trực tuyến hoặc qua bưu điện vì hai hình thức đó rất đảm bảo” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chuẩn bị cho việc xét tuyển diễn ra thuận lợi. Hiện tại, phần mềm xét tuyển ĐH đã được xây dựng xong và sẵn sàng vận hành. Ở các trường và các địa phương, Bộ đã chỉ đạo huy động máy tính trong các ngày diễn ra xét tuyển để hỗ trợ tối đa các thí sinh đăng ký xét tuyển.
Việc đăng ký xét tuyển qua mạng năm nay kết thúc sớm trước 1 ngày để thí sinh không đăng ký xét tuyển được qua mạng có thể chọn phương thức khác.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, năm nay, các trường không công bố thông tin thí sinh dự tuyển và cũng không có thông tin để công bố nên thí sinh sẽ không bị ảnh hưởng trong việc đăng ký.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng lưu ý các thí sinh, trong quá trình xét tuyển, việc đầu tiên là thí sinh phải xác định được ngành nghề mình yêu thích, đó là điều hết sức quan trọng. Bởi vì nếu chọn ngành mình không thích, khi học các em sẽ thấy không phù hợp với sở thích của mình, nản chí, có thể lại đăng ký thi lại vào một trường khác, như vậy sẽ rất lãng phí về thời gian và công sức.
Một việc nữa là thí sinh phải căn cứ vào kết quả học tập của mình, kết quả thi, so với kết quả tuyển sinh năm ngoái các trường để nộp vào các trường, nhóm trường phù hợp. Sau nộp xong, thí sinh chờ kết quả, không phải bận tâm gì nhiều đến theo dõi số lượng thí sinh nộp vào trường như năm trước. Sau khi báo kết quả nếu trúng tuyển, nếu quyết định học, thí sinh nộp giấy báo kết quả thi cho trường và chờ ngày nhập học.