Lời phán quyết được nhiều quốc gia quan tâm
Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 11/07/2016
Phán quyết bằng văn bản này trước hết sẽ được gửi bằng email tới các bên liên quan, sau đó được công bố trên báo chí cũng như đăng tải trên trang web chính thức của PCA. Phán quyết của PCA có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, chống lại mưu đồ áp đặt chủ quyền một cách đáng ngờ của bất cứ quốc gia nào trên các vùng biển.
Mỹ vừa cử các đội tàu chiến tới Biển Đông nhằm thể hiện cam kết bảo vệ tự do hàng hải trên Thái Bình Dương. |
Những ngày gần đây, nhiều kịch bản dự đoán các động thái sau ngày 12-7 đã được đưa ra. Hầu hết đều cho rằng, phán quyết PCA sẽ nghiêng về Philippines. Điều này có thể dẫn đến một số phản ứng từ phía Bắc Kinh. Vì ngay từ khi Philippines khởi kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc năm 2013, Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ và mới đây tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết sắp tới của PCA. Điều này có thể đẩy căng thẳng và bất ổn ở khu vực Biển Đông lên một mức độ mới. Theo một số nhận định được đưa ra, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, mở rộng các đảo đã chiếm giữ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động quân sự trên Biển Đông. Theo Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, Trung Quốc đang cải tạo các đảo đá trên Biển Đông để xây dựng một "Vạn Lý Trường Thành" trên biển, nhằm giúp bảo vệ tuyên bố chủ quyền bao trùm gần như toàn bộ vùng hải lộ này và cách bờ biển Trung Quốc gần 1.000 dặm. Một khả năng khác mà các quốc gia quan tâm là Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự như đã từng thể hiện trên biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Vì thế, nhiều quốc gia đồng minh của Philippines đã chuẩn bị cho tình huống này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng ủng hộ duy trì tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong động thái cho thấy Mỹ không nói suông khi vừa triển khai 3 tàu khu trục Stethem, Spruance và Momsen tuần tra gần bãi cạn Scarborough của Philippines (bị Trung Quốc chiếm đóng) và những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chưa hết, nhóm tàu sân bay chiến đấu Ronald Reagan vừa đi vào Biển Đông cho thấy, Lầu Năm Góc khó có thể chỉ đứng nhìn trước "tham vọng" của Trung Quốc nhằm chiếm trọn vùng biển chiến lược này. Ngay trước thềm phán quyết được đưa ra, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Colin Willett khẳng định, Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia, đồng thời giữ vững những cam kết với các đồng minh và đối tác ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Nhật Bản đang phối hợp với Nhóm các quốc gia phát triển (G7) ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết PCA. Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đề nghị hải quân các nước Châu Âu điều tàu chiến tới phối hợp tuần tra ở Châu Á để tăng cường trật tự thượng tôn pháp luật trên biển. Ông cảnh báo rằng nếu Luật Biển không được tôn trọng trong khu vực, nó sẽ bị thách thức ở Bắc Băng Dương hay Địa Trung Hải. Mới đây, báo "Bưu điện Jakarta" (Indonesia) cũng có bài nhấn mạnh, là một thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cần gương mẫu trong giữ gìn sự thượng tôn của pháp luật; không nên đứng ngoài vụ kiện cũng như rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nếu Trung Quốc không tuân theo phán quyết của tòa, điều này có thể tạo ra căng thẳng và gây bất ổn ở khu vực Biển Đông; đồng thời cộng đồng thế giới cũng sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá xấu về Trung Quốc.
Theo đánh giá của giới bình luận quốc tế, PCA cuối cùng cũng sẽ đưa ra phán quyết. Song, điều đó không có nghĩa sẽ ngay lập tức làm thay đổi cục diện tình hình khu vực. Tuy nhiên, điều quan trọng là dư luận thế giới sẽ hiểu sự thật ở Biển Đông không giống như những gì bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc cố đưa ra lâu nay. Và khi bị bác bỏ, thế giới sẽ thấy một Trung Quốc đang đứng ngoài luật pháp quốc tế chứ không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và một vài nước trong ASEAN.