Bài 1: Khi ao, hồ "kêu cứu"
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:48, 11/07/2016
Bài 1: Khi ao, hồ "kêu cứu"
Thời gian qua, nhiều ao, hồ ở Hà Nội đang bị thu hẹp diện tích và ô nhiễm. Mặc dù thành phố đã nỗ lực cải tạo, nạo vét ao, hồ, nâng cao chất lượng nước nhưng tình trạng tái vi phạm và ô nhiễm vẫn diễn ra. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trước hết là ý thức của mỗi người dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thành phố.
Hồ Tây và hồ Trúc Bạch không chỉ có vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí ở thành phố, mà còn là “điểm đến” ưa thích của du khách trong nước và quốc tế. |
Từ diện tích thu hẹp...
Báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ, giảm 10 hồ, với diện tích mặt nước là 72.540m2 so với năm 2010. Ví dụ như quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất thành phố (trên 30 hồ), trong đó có nhiều hồ lớn như Đống Đa, Ba Mẫu, Nam Đồng... nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) đã san lấp 4 hồ, ao là ao cạnh và ao sau Chùa Láng, ao trồng rau. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm như hồ Linh Quang, Ao Phủ, hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án như ao Hào Nam. Các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự. Vài năm trở lại đây, không những diện tích mặt hồ bị thu hẹp mà nhiều ao, hồ đã biến mất trên bản đồ. Có thể kể đến như ao Trại Cá, ao Yên Hòa, ao Ải Bái Ân, ao Khu Đồng Xa... Một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể. Có thể kể đến quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 đến nay, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Riêng Hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010), chỉ còn 460ha.
Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa. Cụ thể như ở các khu vực mới phát triển là Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị lấp. Nhưng ở một góc độ khác, ông Đỗ Hùng Vương, Phó Trưởng ban Quản lý Hồ Tây chia sẻ, sự sụt giảm đáng kể về diện tích mặt hồ, ao do nguyên nhân chính là sự yếu kém, buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở dẫn đến việc san lấp, lấn chiếm. Nhận định của ông Vương phần nào có cơ sở khi liên tục nhiều năm gần đây, không ít "lá phổi xanh" ở các quận, huyện ven đô đã bị lấn chiếm bởi đất cát, rác thải... rồi sau đó trên diện tích này tiếp tục mọc lên các công trình.
Ô nhiễm nghiêm trọng tại hồ Linh Quang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong khu vực. |
... đến vấn nạn ô nhiễm
Cùng với việc diện tích nước bị thu hẹp, thì chất lượng nước các ao, hồ hiện nay cũng là vấn đề rất đáng quan ngại. 5 năm qua, Hà Nội đã đầu tư không nhỏ cho công tác cải tạo, xử lý kỹ thuật các ao, hồ trên địa bàn, tăng số lượng ao, hồ đã được kè toàn phần và kè một phần… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn gần 10% số ao, hồ có dấu hiệu ô nhiễm và ô nhiễm rất nặng.
Giữa ngày hè oi nóng của tháng 6, có mặt ở hồ Văn Chương trên địa bàn giáp ranh, thuộc quyền quản lý của 3 phường Văn Chương, Thổ Quan và Hàng Bột (quận Đống Đa), có thể hiểu phần nào bức xúc của người dân nơi đây. Mặt hồ phủ kín bèo tấm, rêu, nước xanh đen; tại các miệng cống, váng trắng nổi lềnh bềnh, mùi hôi thối nồng nặc... Bà Nguyễn Thị Mai, nhà ở đường ven hồ Văn Chương cho biết, do nắp cống cao hơn mặt hồ, nên mỗi khi nước hồ cạn thì nước thải bên ngoài chảy vào gây ô nhiễm. Mặc dù hồ đã được kè, có hàng rào sắt cao 60cm, bên ngoài rào là vỉa hè được lát gọn gàng, nhưng “cha chung không ai khóc”, cây dại mọc xen lẫn phần đất giữa các ô kè, hàng quán chiếm dụng để kinh doanh, xe máy để bừa bãi, khiến cho vỉa hè đã hẹp lại càng hẹp hơn.
Cách hồ Văn Chương không xa, hồ Linh Quang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nước hồ đen ngòm, mặt hồ ngập rác thải. Thậm chí, người dân ở đây còn tận dụng mặt hồ để chăn nuôi gia cầm, nuôi cá. Bờ phía chợ Văn Chương trở thành bãi trông xe ô tô và tập trung chất thải rắn. Phần bờ còn lại sát với nhà dân, nhà trọ bị lấn chiếm để đổ đất, chất thải xây dựng, rác. Trước đây hồ rộng khoảng 2ha giờ chỉ còn là chiếc ao nhỏ. Năm 2004, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt dự án cải tạo hồ Linh Quang với mức đầu tư 131 tỷ đồng, nhưng cho đến nay, dự án vẫn... treo vì vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên, quận Đống Đa) thuộc hệ thống tự nhiên thông với hồ Bảy Mẫu, được sử dụng để tạo cảnh quan và điều hòa nước trong khu vực, nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng ô nhiễm. So với trước đây, mức độ ô nhiễm của hồ đã giảm đi đáng kể, đồng thời không còn tình trạng lấn chiếm do đã được kè. Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng, mặt hồ nổi nhiều xác tảo, mùi hôi nồng nặc. Một số điểm bờ kè, bậc thang đang xuống cấp. Ven hồ, đoạn tiếp giáp với đường Lê Duẩn, thanh niên tụ tập ăn uống, tùy tiện xả rác xuống mặt hồ. Thậm chí một đoạn bờ hồ còn trở thành nhà vệ sinh công cộng...
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về tình trạng ô nhiễm các ao, hồ ở Hà Nội. Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố còn khoảng 40 hồ chưa được cải tạo không bảo đảm vệ sinh môi trường. Kỹ sư nông nghiệp Phùng Minh Quang, người gắn bó nhiều năm với sông hồ Hà Nội cho rằng, so với thời gian 30-40 năm trước, ao hồ Hà Nội ô nhiễm hơn rất nhiều. Mặc dù nhiều hồ đã được cải tạo, làm kè, lan can cảnh quan thay đổi đáng kể; đồng thời giúp giảm nguồn phát sinh ô nhiễm nhưng chỉ điều đó thôi chưa đủ. "Hầu hết các hồ hiện nay chưa cải tạo được chất lượng nước, tức là chưa chia tách, xử lý được nước thải vào hồ. Trong khi nhiều ao, hồ làm nhiệm vụ tiêu thoát nước nên khi mưa xuống, rác thải theo dòng chảy vào ao, hồ gây ô nhiễm" - ông Quang nói - "Thêm nữa, đa phần các gia đình sử dụng hệ thống vệ sinh tự hoại, cùng nhiều chất tẩy rửa, đổ dồn ra hệ thống thoát nước chung, rồi lại đến ao, hồ khiến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng".
Thực tế thời gian qua đã có không ít dự án cải tạo ao, hồ trên địa bàn được triển khai. Tuy nhiên, việc duy trì và bảo vệ ao, hồ sau cải tạo chưa được các cấp chính quyền quan tâm dẫn đến một số "lá phổi xanh" trên địa bàn thành phố có nguy cơ bị "bức tử".