Đăng ký thành lập doanh nghiệp: Những tiến triển tích cực

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:23, 11/07/2016

(HNM) - Tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm có những diễn biến tích cực hơn so với thời gian trước.

Làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng


Doanh nghiệp đăng ký tăng mạnh

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng qua, cả nước có thêm 54.501 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số DN và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, các chỉ số quan trọng nhất về tình hình đăng ký DN đã có bước chuyển biến đáng ghi nhận, thể hiện niềm tin và tinh thần khởi nghiệp của xã hội tăng lên. Các chuyên gia cũng đánh giá cao số liệu tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong nửa đầu năm nay đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2015. Quy mô về vốn của DN mới thành lập đã tăng đáng kể, cho thấy nguồn lực trong dân được huy động nhiều hơn và quy mô về vốn gia tăng sẽ là điều kiện để DN có “sức sống” tốt hơn trên thương trường. Bên cạnh đó, cả nước cũng đón nhận hơn 774 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước thông qua 16.125 lượt DN đăng ký tăng vốn, tức tăng 46,8% về lượt DN. Tuy nhiên, cùng thời gian trên cũng có 5.507 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (so sánh 2015/2014: DN giải thể giảm 0,9%). Ngoài ra, có 12.203 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 37% so với cùng kỳ. Tuy vậy, đây là những đơn vị đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong vòng một năm trở lại đây và có khả năng sẽ quay trở lại thị trường. Hiện có 18.916 DN chờ giải thể, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Như vậy, diễn biến đăng ký DN là sự đan xen, tuy rằng mặt tích cực và sự hồi phục mạnh mẽ vẫn chiếm xu thế áp đảo. Đây sẽ là điều kiện "đầu vào" bổ sung cho nền kinh tế, nguồn thu và việc làm cho xã hội trong thời gian tới.

Cần nâng cấp về quy mô

Tuy nhiên, xét về quy mô thì nhìn chung DN Việt Nam vẫn rất nhỏ so với DN nước ngoài trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường chung. Điều này rất đáng lo ngại vì thời gian không còn nhiều trong khi Việt Nam đang và sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết mở cửa thị trường vì đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), WTO, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thuế suất sẽ nhanh chóng lùi về 0% đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và áp lực cạnh tranh sẽ tăng. Trong ứng xử thương mại quốc tế, không có trường hợp nhân nhượng cũng như không có đường lùi cho bất kỳ DN nào. Đáng nói, số DN quy mô vừa và nhỏ chiếm khoảng 97% tổng số DN cả nước và nếu số vốn trung bình của hầu hết DN quy mô nhỏ là dưới 10 tỷ đồng thì sẽ rất nhỏ nếu so sánh với DN các nước trong khu vực. Đây là điểm yếu cố hữu, rất khó vượt qua của DN "nội"; cũng là thực tế lý giải vì sao ngày càng nhiều trường hợp DN nước ngoài mua lại cổ phần, thâu tóm DN "nội" trong thời gian qua.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc thiếu vắng những tên tuổi lớn, có thương hiệu và uy tín tầm cỡ khu vực của Việt Nam là rất đáng suy nghĩ. Không có DN lớn, đảm nhận vai trò “đầu đàn” nên DN quy mô nhỏ thiếu điểm tựa, trong khi tự thân lại thiếu sức cạnh tranh trên thương trường khi hội nhập vì khó len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, do DN Việt Nam quy mô nhỏ, nên sẽ đối diện với nhiều nguy cơ khi tham gia thị trường toàn cầu; nhưng nếu biết tập hợp, liên kết một cách hiệu quả thì sẽ cùng tiến ra "biển lớn" an toàn. Ông Dũng gợi ý, DN "nội" cần chủ động huy động vốn đầu tư cho chuyển đổi công nghệ, để từ đó đạt đến tiêu chuẩn có thể trở thành DN vệ tinh cho các tập đoàn, công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đến nay, nhiều DN "ngoại" vẫn chủ trương khuyến khích, sẵn sàng cung cấp cơ hội cho DN Việt trong sản xuất, cung ứng linh kiện, phụ tùng để họ lắp ráp thành phẩm xuất khẩu. Hơn nữa, đó cũng là cơ hội để DN nội tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, từng bước vươn lên, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của mình trong “thế giới phẳng”. Tận dụng tốt thời cơ này cũng là điều kiện tốt để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ - điều kiện quan trọng để thúc đẩy và hiện thực hóa mục tiêu CNH-HĐH.

Hồng Sơn