Cấp rồi phải… quản!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:45, 12/07/2016
Gây bức xúc dư luận thời gian gần đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt). Khoảng 6 vạn người đã bị lừa với tổng số tiền lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty này đã bị bắt giam, khởi tố. Thế nhưng, số tiền của hàng vạn người vẫn bặt âm, vô tín, không hẹn ngày trở lại. Ra nông nỗi ấy, lỗi trước hết thuộc về người bị hại. Đơn giản, thủ đoạn lừa đảo lâu nay chỉ là đánh vào lòng tham con người. Nhiều người hiểu điều đó, nhưng không đủ bản lĩnh, sáng suốt và họ đã “mờ mắt” trước những khoản lợi của việc “không làm mà cũng có ăn” để rồi… “com cóp cho cọp nó xơi”!
Thế nhưng, trách người bị hại thì cũng phải trách các cơ quan quản lý. Bởi lẽ, bán hàng đa cấp là một lĩnh vực kinh doanh hợp pháp. Ngày 24-8-2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp sau đó được thực hiện theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 với những điều khoản rất cụ thể, chi tiết, chặt chẽ. Vậy tại sao, vẫn có những công ty bán hàng đa cấp thoải mái hoành hành, tung tác lừa đảo khiến bao gia đình điêu đứng, thậm chí là ly tán?
Có thể nói, những hạn chế, lỏng lẻo, thậm chí là yếu kém trong công tác quản lý là nguyên nhân chính dẫn tới những vụ việc đáng tiếc. Các công ty bán hàng đa cấp được cấp phép hoạt động, có tư cách pháp nhân và người dân hoàn toàn có thể tin tưởng. Thế nhưng, các doanh nghiệp này có hoạt động theo đúng quy định pháp luật không lại là vấn đề khác. Và mọi chuyện bắt đầu từ đây.
Quay lại vụ việc ở Công ty Liên kết Việt. Nhiều sự kiện được tổ chức rầm rộ, thậm chí cả việc tổ chức lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng công khai mà các cơ quan chức năng không biết cho đến khi vụ việc vỡ lở. Một điều lạ nữa là trong vụ Liên kết Việt, ngày 15-7-2015, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã tiến hành kiểm tra và phạt công ty này 570 triệu đồng về hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp. Tiếc là, thông tin xử phạt không được công bố rộng rãi, kịp thời để người dân biết, nên số người bị lừa tiếp tục tăng…
Sau một số vụ lừa đảo vỡ lở có liên quan tới bán hàng đa cấp, ngày 21-3-2016, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 7 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Marketing, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty cổ phần Liên kết tri thức, Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long. Đây đều là những doanh nghiệp bán hàng đa cấp được đánh giá thuộc diện “khủng”.
Ngày 11-7, Bộ Công thương đã chính thức thông báo về kết quả kiểm tra đối với các doanh nghiệp. Kết quả thật bất ngờ, nhưng cũng… không bất ngờ! Tại 4 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty cổ phần Liên kết tri thức, Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long, Đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt dấu hiệu sai phạm và ban hành nhiều quyết định xử phạt.
Không thể cấp phép mà không quản lý. Không thể kiểm tra chiếu lệ hoặc kiểm tra rồi không công bố thông tin. Đây là lĩnh vực kinh doanh khá nhạy cảm, liên quan tới nhiều người, đừng kiểm tra, xử lý theo kiểu “áo gấm đi đêm”! Có làm có khác! Chậm còn hơn không!