Những quyết định hợp lòng dân!

Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 12/07/2016

(HNM) - Những quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố có thể ví như cơn gió tươi mát làm dịu đi những câu hỏi sôi lên trong dư luận cán bộ, đảng viên trước những chuyện “lình xình” ở TP Hải Phòng nhiều năm qua, cũng như những nội dung liên quan đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra, xem xét, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay!


Còn nhớ, ngày 16-1-2012, Nghị quyết Trung ương 4 (XI) đánh giá: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau...". Bốn năm sau, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi". Dù toàn Đảng, toàn dân quyết liệt đấu tranh, song sau 4 năm vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi là bởi những biểu hiện suy thoái khác nhau - vẫn chưa được "điểm danh" rõ nét qua những người, những việc cụ thể.

Nhưng nay, với những gì Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố thì rất dễ hình dung một cách rõ nét về cái “vùng tối” ấy - vùng tối bị tiền bạc, danh vọng che mờ đạo đức cách mạng.

Các đảng viên: Dương Anh Điền, Lê Khắc Nam, Đoàn Duy Linh là những cán bộ “đầu tỉnh” ở Hải Phòng, còn Trịnh Xuân Thanh - cũng là một cán bộ tương tự ở Hậu Giang. Nhưng tại sao họ lại có nhiều khuyết điểm lớn đến vậy? Nào “thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chi phí, quản lý hợp đồng, lựa chọn nhà thầu”.

Nào “đứng đầu một cơ quan để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng”… “nhưng lại chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân”. Nào từng được cấp trên đánh giá chưa hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Đảng, chính quyền - nhưng lại “vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang…”.

Không chỉ với cá nhân, đối với nhiều tập thể - những câu hỏi đặt ra cũng rất buốt lòng.

Vì sao “các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ” khi tiến hành “tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang” đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh?

Vì sao chỉ trong vòng 3 năm, cán bộ “không hoàn thành nhiệm vụ” Trịnh Xuân Thanh vẫn được luân chuyển, bố trí đi qua tới 3 vị trí với chức vụ tăng dần?

Cách đây chưa lâu, ngày 27-5-2016, tại hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Có người ăn chặn của dân, vòi vĩnh, đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền còn tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách ở địa phương nào, đơn vị nào thì như ông vua con, thậm chí có những cá nhân, tập thể bị trù dập, ức hiếp”. Những khuyết điểm của các cá nhân vừa nêu - có phải là biểu hiện của một dạng “ông vua con” không?

Lênin từng nhấn mạnh, đối với một Đảng cầm quyền, một trong những nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng.

Những "ông vua con" trong Đảng - chính là những đảng viên suy thoái đã bất chấp nguyên tắc, quy định của Đảng; đã tự đánh mất niềm tin của nhân dân với Đảng. Khi niềm tin của nhân dân bị giảm sút, thì cũng có nghĩa là Đảng đã tự cắt đứt liên hệ với nhân dân.

Những quyết định vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố chính là quyết định củng cố niềm tin, là "sợi dây" kết nối lại bền chặt hơn quan hệ như cá với nước giữa dân với Đảng.

Những quyết định rất hợp lòng dân!

Long Hà