Ngành công thương sẽ đẩy mạnh hoạt động công nghiệp và xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 19:49, 12/07/2016
Theo đó, hoạt động công nghiệp và thương mại của ngành trong 6 tháng qua có một số thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhất là chịu ảnh hưởng của sự suy giảm trên thị trường quốc tế, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả xuất khẩu; điển hình là đối với sản phẩm dệt may, da giày. Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng khá thấp. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 82 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, rất thấp so với chỉ tiêu kế hoạch và đặt ra gánh nănng cho nửa cuối năm nay.
Theo Bộ Công Thương, sắp tới sẽ có thêm một số dự án quy mô lớn đi vào sản xuất, hứa hẹn sản lượng công nghiệp sẽ gia tăng mạnh hơn. Xét theo chu kỳ thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng cao hơn vào dịp cuối năm. Bộ sẽ tập trung vào một số giải pháp, gồm: Tập trung hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đưa thêm một số mỏ, điểm khai thác dầu khí vào hoạt động; tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất-kinh doanh; ổn định thị trường trong nước kết hợp bảo vệ người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và buôn lậu; thúc đẩy tiêu thụ hàng do DN trong nước sản xuất. Bộ chỉ đạo DN tăng cường tìm hiểu thị trường, mở rộng xuất khẩu; nhất là với những thị trường giầu tiềm năng…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ cần quan tâm, thu thập ý kiến từ xã hội, nhất là cộng đồng DN; nhân lên những kết quả đã đạt được cũng như xác định những vấn đề cần tiếp tục giải quyết; hướng tới mục tiêu hoàn thiện thể chế, vì DN. Cần xác định, hoạt động kinh tế nửa đầu năm diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi, có tác động tiêu cực từ diễn biến thị trường quốc tế và thiên tai trong nước trong khi nhiều cơ quan, bộ có sự thay đổi về cơ cấu nhân sự lãnh đạo. Từ đó, cần hiểu rõ, phát huy những kết quả đã đạt được để bứt phá trong thời gian tới.
Thủ tướng nhắc nhở Bộ, các cơ quan hữu quan phải theo sát diễn biến thị trường, kịp thời đáp ứng các nhu cầu của DN và xã hội. Bộ cần chủ động chỉ đạo các đơn vị đầu mối, các cơ quan thương vụ, hoạt động xúc tiến thương mại và sản xuất bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần tập trung phát hiện và giải quyết vấn nạn buôn lậu, hàng giả để bảo vệ DN chân chính; từng bước lành mạnh hóa hoạt động thương mại qua biên giới; giữ uy tín đối với môi trường kinh doanh; tránh bức xúc trong dư luận. Bộ Công Thương cần quan tâm thỏa đáng đến tiến trình hội nhập quốc tế, có đối sách phù hợp và hữu hiệu trước việc một số DN bán lẻ nội thoái lui, giảm sút thị phần như thời gian qua…