Đường đi của tỷ giá sẽ ra sao?
Tài chính - Ngày đăng : 07:17, 12/07/2016
Tỷ giá không biến động trong nửa đầu năm 2016.Ảnh: Hải Anh |
Nếu như những năm trước, thường vào tháng 6, tỷ giá được ngành chức năng điều chỉnh theo hướng tăng khoảng 1%, thì năm nay thị trường lại đảo chiều, tỷ giá không tăng mà giảm khoảng 0,8%. Trong khi mức dự báo được tính toán có nguy cơ tăng 4%/năm, việc tỷ giá giảm được coi là yếu tố lạc quan của nền kinh tế, chứng tỏ VND "khỏe" hơn. Bình ổn trong một thời gian khá dài, đường đi của tỷ giá giúp nhiều doanh nghiệp "thở phào" vì không phải xoay xở với cơn sốt này. Bất chấp thị trường có tăng, giảm, nhưng những biến động đó không bất thường, chỉ là thay đổi theo quy luật của nền kinh tế. Cũng bởi thế mà tỷ giá chỉ ở quanh ngưỡng 22.300 VND/USD, có tăng nằm trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tỷ giá không có biến động trong suốt nửa đầu năm 2016 được Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) đánh giá là phù hợp với sự mất giá của USD trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD-Index giảm hơn 3%, cho thấy đồng tiền này bị giảm giá trị so với nhiều ngoại tệ chủ chốt khác. Ngoài ra, tỷ giá giảm trong nửa đầu năm do dòng vào ngoại tệ từ các nguồn đều thuận lợi, trong đó có cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm 2015 nhập siêu 3,7 tỷ USD), nếu tính cả dịch vụ thặng dư 3,7 tỷ USD. Dòng vốn FDI cũng tích cực, với số vốn giải ngân đạt 7,25 tỷ USD, kiều hối hơn 2 tỷ USD. Thêm vào đó, việc NHNN duy trì trần lãi suất huy động USD 0%/năm, trong khi đó lãi suất huy động VND tiếp tục tăng cũng là yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá ổn định.
Tuy nhiên, vốn là kênh chịu tác động nhanh từ những yếu tố khách quan, sự dồn dập của hàng loạt thông tin không tốt từ chính trị, kinh tế thế giới, cùng với những thay đổi về chính sách của cơ quan chức năng, tỷ giá có dấu hiệu bị "đe dọa". Sau những quy định về việc "thắt" cho vay ngoại tệ với một số doanh nghiệp, tỷ giá cũng có "sóng", nhưng "cơn sóng" này chưa kịp lớn thì NHNN đã kịp nới cho các đối tượng này, giúp thị trường ngoại hối ổn định trở lại. Nhưng cuối tháng 6 "cơn lốc" Brexit đã làm khuấy động thị trường tưởng đã đi vào ổn định. Biến động liên tục sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu được công bố, tỷ giá đã có những ngày tăng bất thường. Phản ứng giống đa số nhà đầu tư nước ngoài, không ít nhà đầu tư trong nước đã chuyển từ chứng khoán sang đầu tư ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD hoặc vàng. Khi cầu vượt cung, giá USD cả trong ngân hàng thương mại và ngoài chợ đen đều tăng.
Trong sáng 24-6, bất chấp cuộc trưng cầu dân ý ở Anh chưa có kết quả cuối cùng, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 60 VND. Để cân đối tỷ giá, bình ổn thị trường, NHNN đã phát hành 5.000 tỷ đồng tín phiếu, đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lên cao, thu hút sự chú ý vào VND thay vì "sốt" theo USD. Không dừng lại ở đó, nhằm chấm dứt tình trạng "nóng" của USD, cơ quan này lại "bung" tiếp 5.000 tỷ đồng tín phiếu trong ngày 27-6, đưa thị trường vào thế bình ổn, ngay cả khi tỷ giá trung tâm vẫn tăng trong 2 ngày liên tiếp.
Vậy, những tháng cuối năm tỷ giá sẽ biến động ra sao? Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các yếu tố hỗ trợ tỷ giá sẽ không thuận lợi như nửa đầu năm, do yếu tố mùa vụ, cân đối cung cầu ngoại tệ có thể tăng cao vào cuối năm, khi nhu cầu nhập khẩu tăng; khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào cuối năm... Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, xu hướng "leo thang" trở lại của lạm phát là yếu tố rủi ro, gây áp lực lớn đến tỷ giá.
Thực tế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh chưa gây nhiều áp lực đối với VND, mặc dù khiến tỷ giá tăng, song vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu lo ngại của lạm phát, theo BVS, nếu NHNN không hành động kịp thời, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực, từ đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng đề xuất 2 lựa chọn với cơ quan chức năng, là chủ động điều chỉnh giảm giá VND, hoặc giảm bớt cung tiền trong lưu thông để ổn định lạm phát trong 6 tháng cuối năm.