Ảnh đoạt Huy chương vàng bị tố “lắp ghép”: Giám khảo nói gì?

Văn hóa - Ngày đăng : 07:15, 13/07/2016

Trước khi gửi ảnh dự thi, tác giả hiểu hơn ai hết về thể lệ nghiêm cấm những bức ảnh đã qua chỉnh sửa.


Giám khảo chủ quan

Ngày 4/7 vừa qua, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ 5 – 2016 đã trao Huy chương vàng cho tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như. Tuy nhiên, bức ảnh giành giải vàng không lâu sau đó đã khiến dư luận “dậy sóng” bởi nhiều người cho rằng ảnh đã qua chỉnh sửa một cách vụng về, sai sự thật.

Kết quả, ngày 9/7, tác giả Nguyễn Đắc Như đã có thư gửi Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam xin rút toàn bộ ảnh triển lãm và ảnh đoạt giải của cuộc liên hoan. Trả lời báo Thanh Niên, NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, xác nhận do ban giám khảo chủ quan nên đã không kiểm tra kỹ file gốc trước khi công bố tác phẩm đoạt giải.


Tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như.


Chia sẻ với PV, NSNA Trần Việt Văn, thành viên hội đồng giám khảo của liên hoan cũng thừa nhận rằng, trong thời điểm chấm thi bị khống chế về thời gian, ban giám khảo đã có sự nhầm lẫn, nhất là khi công nghệ photoshop ngày nay rất tinh vi.

“Nếu soi kỹ, quả thật tôi nhận ra bức ảnh đã có qua chỉnh sửa. Một số chi tiết không hợp lý như những cái bút đằng sau bức tranh hay tóc hơi đậm, xử lý tóc không tinh tế…”, NSNA Việt Văn cho biết.

Theo NSNA Việt Văn, “Họa sĩ Phan Kế An” của tác giả Nguyễn Đắc Như không phải là một bức ảnh quá xuất sắc, nếu tham dự một cuộc thi ảnh chân dung khác thì rất có thể đã bị loại. Tuy nhiên, chất lượng ảnh năm nay không cao, thậm chí NSNA Việt Văn cùng một số thành viên BGK còn nghĩ năm nay sẽ không trao giải vàng. “Họa sĩ Phan Kế An” chỉ là bức ảnh tương đối nhất so với các tác phẩm dự thi còn lại bởi có hình ảnh họa sĩ nổi tiếng người Hà Nội, bố cục sạch sẽ…

“Nếu như bức ảnh chụp họa sĩ Phan Kế An đang cầm bút vẽ tranh thì sẽ giá trị hơn thay vì bức tranh đằng sau và ông đang cầm một tờ giấy – có thể là bản thảo một cuốn sách hay trang báo gì đó, bởi người họa sĩ phải gắn với cây bút. Ngoài ra, ánh sáng cần xử lý mạnh mẽ, kịch tính hơn”, NSNA Việt Văn nói.


NSNA Việt Văn. Ảnh: FBNV.


Sự trung thực của tác giả ảnh

Hiện tượng chỉnh sửa ảnh rồi gửi dự thi không phải chỉ ở riêng Việt Nam mà ngay cả những cuộc thi ảnh nổi tiếng thế giới cũng có sự gian dối. Một trong những sự việc làm rúng động làng nhiếp ảnh thế giới hồi đầu năm nay chính là việc Nikon Singapore trao giải cho một bức ảnh ghép máy bay lộ liễu của tác giả Yu Wei. Hãng Nikon cùng chủ bức ảnh đã phải lên tiếng xin lỗi vì sai lầm này.

“Trong tương lai, chúng tôi sẽ thắt chặt quy trình kiểm duyệt ảnh hơn để tránh gặp phải những tình trạng tương tự”, đại diện hãng Nikon cho biết.


Scandal ảnh ghép gây rúng động làng nhiếp ảnh thế giới hồi đầu năm nay.


NSNA Việt Văn cho biết, cuộc thi ảnh World Press Photo ở Hà Lan tổ chức hàng năm nhận trăm nghìn bức ảnh gửi về. Để hạn chế tình trạng gian dối, chỉnh sửa, BTC quy định ảnh vào chung kết bao giờ thí sinh cũng phải gửi file gốc và có chuyên gia phân tích kỹ thuật xem xét kỹ.

“So với “Họa sĩ Phan Kế An”, có những bức ảnh được xử lý tinh vi hơn nhiều. Thậm chí file gốc còn có thể làm giả. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều cách để phát hiện một bức ảnh có qua chỉnh sửa hay không, chẳng hạn như dùng phần mềm. Nhưng đây không phải là một phần mềm đại chúng và không dễ sử dụng. Tuy nhiên, sau những sự cố đáng tiếc như thế này, ban giám khảo buộc phải nghiêm ngặt hơn. Ảnh một khi đã được xét vào giải thì phải kiểm tra kỹ xem tác giả có ăn cắp bản quyền hay photoshop hay không”, NSNA Việt Văn nói.

NSNA Việt Văn cũng khẳng định rằng, bản thân tác giả là người phải có trách nhiệm hơn cả: “Nghệ thuật là một cái gì đó rất trung thực, cũng như báo chí vậy. Không thể nào gian dối mãi. Có thể thắng được cuộc thi này, cuộc thi khác, nhưng trong thâm tâm tác giả đó hiểu hơn ai hết mình đã gian dối. Một tác phẩm phản ánh thế giới quan cũng như tầm nhìn của tác giả. Việc một tác phẩm ảnh có vấn đề vi phạm phụ thuộc vào vấn đề đạo đức của tác giả, bởi vì trước khi gửi ảnh dự thi, tác giả hiểu hơn ai hết về thể lệ nghiêm cấm những bức ảnh đã qua chỉnh sửa”./.

Theo Hà Phương/VOV