Nỗi lo về chính sách cho lao động di cư

Đời sống - Ngày đăng : 09:30, 13/07/2016

(HNMO) - Hiện Hà Nội có khoảng 1 triệu lao động di cư ở khu vực phi chính thức, đa số họ không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Và đó là một vấn đề lớn mà Hà Nội cần quan tâm để giúp người lao động di cư tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn



Hiện nay, chủ yếu luồng lao động di cư là từ nông thôn ra thành thị để mưu sinh. Đa số lao động di cư có độ tuổi từ 19-30 tuổi, sống độc thân, chiếm tới 70% là nữ giới. Đa số ngành nghề lao động di cư phi chính thức làm khá nặng nhọc, bấp bênh và ít có thời gian nghỉ ngơi. Nhìn chung tình trạng lao động di cư từ nông thôn đến các đô thị lớn như Hà Nội vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội lại vừa tạo ra sức ép bởi những hệ lụy tiêu cực mà nó phát sinh.

Tuy vậy, nhiều người đã cho rằng do tình trạng di cư không được kiểm soát đã dẫn đến sự nghèo nàn trong dịch vụ xã hội và tình trạng mất trật tự xã hội hiện nay ở các đô thị. Từ đó, xuất hiện quan điểm phải thắt chặt di cư vào các đô thị, nhât là các đô thị lớn. Tất nhiên, đã có những ý kiến phản bác lại cách tiếp cận đó vì nó thiếu công bằng và mới chỉ nhìn thấy tác động tiêu cực của dòng di cư nông thôn ra đô thị mà quên mất đóng góp tích cực của người lao động di cư tại các thành phố.

Đối với Hà Nội, thành phố đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh mẽ và có thể thấy rõ ở các quận mới như Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi dân số cơ học, chất lượng sống và lối sống của người dân. Những người vốn là nông dân làm nông nghiệp mất đất do đô thị hóa nên phải tìm kiếm sinh kế mới từ hoạt động phi nông nghiệp và dần dần trở thành thị dân. Song song với quá trình đô thị hóa là sự gia tăng dòng di cư từ nông thôn tới đô thị. Đó là quy luật tất yếu không riêng gì ở Việt Nam.

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của cả nước nên thường xuyên đón nhận những tinh hoa của xã hội. Đồng thời, Hà Nội cũng phải chấp nhận cả những người lao động nghèo mong tìm kiếm tới đây để đổi đời.

Lao động di cư ở Hà Nội đang đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đô thị hoá. Trước hết họ là lực lượng lao động tiềm năng cho các cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ hay các cơ sở sản xuất hộ gia đình, cho các tập đoàn xây dựng và các khu chế xuất, khu công nghiệp...

Tiếp đến họ là những lao động tự do làm nghề giúp việc gia đình, bán hàng và các loại hình dịch vụ khác... Cuối cùng, là các lao động phổ thông - một bộ phận cấu thành của mọi nền kinh tế. Một thành phố chỉ tiếp nhận lao động trình độ cao là điều không tưởng.

Và khi đã xác định vai trò của người lao động di cư cũng như coi đó là quy luật thì Hà Nội và các đô thị khác cần có những chính sách giải quyết các mâu thuẫn do tình trạng này sinh ra. Để giải quyết an toàn trật tự xã hội, làm thành phố xanh, sạch đẹp thu hút khách du lịch thì cần phải có những chính sách công bằng đối với các lao động di cư.

Trước hết là quan tâm tới chính sách an sinh xã hội, bởi nhóm đối tượng này gặp nhiều bất lợi khi sống tại các thành phố lớn với mức phí sinh hoạt cao, điều kiện sống ở khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, không bảo đảm an ninh, thiếu các điều kiện thiết yếu.

Mặt khác, hầu hết lao động di cư không được ký kết hợp đồng lao động nên không được tiếp cận BHXH, BHYT bắt buộc mà chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện nên các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động rất cần thiết với họ lại không có. Theo khảo sát mới đây của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội thì 99% lao động di cư không có BHXH và 76% không có BHYT.

Vì vậy, về chính sách đối với lao động di cư trong thời gian qua, theo đại diện Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết, Hội đã phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ thành lập nhóm đồng đẳng để đối thoại, vận động chính sách cho người lao động di cư khu vực phi chính thức.

Tại nhiều cuộc hội thảo các ý kiến đều mong muốn Hà Nội có những nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa và ban hành các văn bản mới có tính khả thi và hiệu quả hơn, trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng và tạo điều kiện để người lao động nhập cư được tiếp cận các quyền cơ bản của công dân một cách tốt nhất. Đồng thời Nhà nước cần có một chiến lược giúp con em nông dân mất ruộng đất được đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp tại chỗ theo hướng “ly nông không ly hương” - đó cũng là một trong những biện pháp hạn chế dòng di cư từ nông thôn ra đô thị.

Minh Bắc