Bài cuối: Nhân rộng những mô hình hiệu quả
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:30, 13/07/2016
Từ mô hình của quận Hoàn Kiếm...
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm nói về mô hình quản lý và gìn giữ hồ Hoàn Kiếm với tất cả niềm đam mê. Chí ít với tôi là như vậy. Là người con phố cổ, sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bạc, đầu những năm 2000 làm Chủ tịch UBND phường Hàng Gai, hằng ngày đi quanh Hồ Gươm, điều không chỉ ông Tuấn mà nhiều người yêu Hà Nội trăn trở chính là sự ô nhiễm của hồ đang ngày một trầm trọng hơn. Khi đó, hồ được giao cho Công ty CP Hà Thủy quản lý, có tổ chức nuôi thả và đánh bắt cá cho mục đích kinh doanh. Để nuôi cá, phía công ty tổ chức thả thức ăn xuống hồ khiến mặt nước đã bẩn lại càng ô nhiễm. Trong khi đó, vỉa hè, bờ kè giao cho chính quyền sở tại, còn vệ sinh môi trường thì Công ty Môi trường đô thị Hà Nội phụ trách.
Với hệ thống vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ được thường xuyên chăm sóc, Hồ Gươm đã trở thành điểm nhấn văn hóa, du lịch của Thủ đô. Ảnh: Bá Hoạt |
"Tình cảnh một chiếc lá trên cây rụng xuống mà liên quan nhiều đơn vị quản lý là điều hết sức bất cập. Bởi rơi xuống hồ thì đơn vị khác phụ trách, còn đọng lại ở vỉa hè lại thuộc đơn vị khác" - ông Tuấn tâm sự - "Cha chung không ai khóc nên công tác duy tu, sửa sang và gìn giữ hồ gặp nhiều khó khăn. Là bộ mặt của Thủ đô nhưng việc đi xe máy, xe đạp trên hè phố tái diễn thường xuyên, rồi lao động tự do, tranh thủ nghỉ ngơi trên ghế đá, xả rác ra đường không phải là chuyện hiếm. Điều đó làm chúng tôi day dứt lắm".
"Ngày 28-11-2005, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 7808/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm nhằm thống nhất về mặt quản lý nhà nước về các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội cùng các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ" - ông Tuấn nói tiếp - "Khi đó, lãnh đạo UBND quận quyết định điều tôi về làm Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm. Vừa mừng, vừa lo. Mừng vì mình sẽ được đảm nhận, gìn giữ và bảo vệ "trái tim" của Hà Nội nhưng lo cũng nhiều. Không biết mô hình này hoạt động như thế nào và liệu có đủ nhân lực để giải quyết những bất cập đang tồn tại".
Khi đó, cá nhân ông Tuấn cũng như các thành viên trong Ban Quản lý chỉ biết nỗ lực hết mình. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cùng sự phối hợp chặt chẽ của UBND quận với các sở, ban, ngành… công tác quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm đã có những chuyển biến tích cực. "Đến nay, chúng tôi có thể tự hào về những việc mình làm" - vị Trưởng ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh - "Công tác quản lý đã thay đổi đáng kể. Các cấp, các ngành đã nhận rõ trách nhiệm của mình trong công tác phối kết hợp thực thi nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm từ cơ sở, thống nhất sự quản lý tập trung, thông suốt. Công tác giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được quan tâm thường xuyên. Tình trạng đeo bám khách du lịch, bán hàng rong, người lang thang xin ăn đã giảm cơ bản, an ninh trật tự được giữ vững, môi trường ngày càng sạch đẹp hơn, hệ thống cơ sở hạ tầng, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa được thường xuyên chăm sóc, cắt sửa tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Từ đó tạo ra được môi trường du lịch văn minh, trong sạch, lành mạnh cho "trái tim" của Thủ đô, tạo điểm nhấn về du lịch, văn hóa cho Thủ đô Hà Nội - Trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước. Thứ nữa, Ban Quản lý kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, giá trị lịch sử của các địa danh, di tích gắn với khu vực hồ Hoàn Kiếm tới nhân dân trong quận nói riêng, du khách nói chung, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan".
Về môi trường nước, ông Tuấn cho biết thêm, kể từ khi Ban Quản lý đi vào hoạt động, việc đánh bắt, kinh doanh cá đã không tồn tại. Hiện nay, chỉ còn một số lượng cá rất nhỏ gồm 2 chủng loại ăn ở tầng đáy và mặt để bảo vệ môi trường hồ. Cùng với việc bịt các cửa cống xả thải vào hồ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và các nhà khoa học đã tham gia cải tạo nguồn nước nên đến nay, chất lượng nước hồ được cải thiện rõ rệt. "Việc tập trung quản lý hồ về một đầu mối đã cho thấy những hiệu quả tích cực. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh... đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng" - ông Tuấn nói.
... đến việc nhân rộng mô hình
Ngày 19-8-2009, Ban Quản lý Hồ Tây được UBND thành phố thành lập. Theo ông Đỗ Hùng Vương, Phó Trưởng ban Quản lý Hồ Tây, mọi công việc thống nhất một đầu mối, giao cho Ban phụ trách chấm dứt tình trạng một hồ nước có tới 5 sở, ban, ngành cùng quản lý. Ngay khi được thành lập, Ban Quản lý Hồ Tây đã xây dựng đề án đánh giá hiện trạng hồ, từ đó đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Ông Đỗ Hùng Vương cho biết thêm: "Hầu hết các cửa cống xả thải ra hồ được bịt lại hoặc tạo đường dẫn vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Từ năm 2011 đến nay, năm nào cũng tiến hành nạo vét và chia từng đoạn quanh hồ. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành công việc này ở các vành đai như Yên Phụ, Đầm Bảy, Xuân La, Võng Thị và đang triển khai tại khu vực đường Thanh Niên. Cùng với việc cải tạo chất lượng nước, công tác chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật cây xanh, thảm cỏ, giao thông được đầu tư đồng bộ. Nếu như trước đây, quanh Hồ Tây có đến hơn 10 mẫu lan can, từ lan can gạch, inox, bê tông… thì nay, điều này đã được xóa bỏ".
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hùng Vương, chất lượng nước hồ đã được cải thiện rõ rệt nhưng không thể triệt để. Đây là điều đã đau đầu các nhà quản lý nhiều năm qua. Quanh Hồ Tây vẫn còn 8 ống cống xả thẳng ra hồ. Ống cống lớn đặt ở số 1 phố Thụy Khuê, đường kính khoảng 3-4m, do Công ty Thoát nước Hà Nội quản lý và ống cống lớn nữa có điểm thoát gần Công viên nước Hồ Tây. Tuyến ống này bắt nguồn từ khu đô thị Ciputra. Dù hồ đã được cải tạo, nạo vét và hằng ngày đều có công nhân đi thu gom, vớt bèo quanh hồ nhưng không thể tránh khỏi ô nhiễm cục bộ. Ông Đỗ Hùng Vương bày tỏ mong muốn, thời gian tới điều này tiếp tục được thành phố quan tâm, xem xét và chỉ đạo hướng giải quyết để công tác duy tu, gìn giữ cảnh quan môi trường Hồ Tây ngày càng hiệu quả hơn.
Cùng có mô hình mang lại hiệu quả cao trong công tác gìn giữ và bảo vệ hồ phải kể quận Long Biên. Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 5, Công ty Thoát nước Hà Nội thì số lượng hồ trên địa bàn quận nhiều năm qua không suy chuyển (16 hồ) và thời gian tới sẽ tăng thêm do xây dựng các trạm bơm thoát nước, cần có hồ điều hòa để tích trữ. Ông Nguyễn Trọng Tuấn cho biết, hầu hết hồ, ao trên địa bàn quận được kè bờ giữ đất, chống lấn chiếm. Trong 16 hồ thì 7 hồ lớn đã tách được hệ thống nước thải như hồ Tai Trâu, hồ sinh thái Lâm Du, Thạch Bàn 1, 2, 3... Nhiều hồ được giao trực tiếp cho chính quyền sở tại quản lý có trách nhiệm cùng người dân trong việc gìn giữ, bảo vệ để tạo cảnh quan thiên nhiên thoáng mát...
Một số mô hình quản lý, khai thác hồ mang lại hiệu quả tích cực đã được dư luận đánh giá cao. Nên chăng cần nhân rộng những mô hình này để các hồ ở Hà Nội không chỉ có chức năng điều hòa mà thật sự là "lá phổi" của đô thị, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.