Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm: Khó về đích
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 13/07/2016
Theo các chuyên gia, 6 tháng cuối năm nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các doanh nghiệp (DN) không nâng cao chất lượng gạo và kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm thì xuất khẩu gạo cả nước khó về đích như mục tiêu đặt ra...
Ảnh minh họa từ internet |
Áp lực về giá và chất lượng
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Thế Năng cho biết, hết quý II, sản lượng xuất khẩu gạo cả nước đã giảm 32% so với cùng kỳ 2015 trong khi thị trường gạo tháng 7 vẫn trầm lắng, lượng gạo xuất khẩu ì ạch khiến giá lúa trong nước giảm mạnh. Tuần qua, giá lúa IR50404 giảm chỉ còn 4.000 đồng/kg lúa tươi, giá lúa chất lượng cao OM 2514, OM 1940 cũng giảm 500-750 đồng/kg so với tháng 6. Giá lúa sụt giảm khiến nông dân lao đao bởi một số DN cố tình ép giá hoặc không mua lúa. Nhiều trường hợp đến ngày thu hoạch người dân phải tìm thương lái bán với giá thấp hoặc phơi sấy dự trữ.
Nguyên nhân sản lượng gạo xuất khẩu giảm là do nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Indonesia chưa hồi phục. “Bên cạnh đó, ngày 25-7 tới, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ mở thầu bán 3,7 triệu tấn gạo. Điều này sẽ tác động lớn tới nguồn cung gạo trên thế giới và Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với gạo Thái Lan về giá cũng như chất lượng” - ông Huỳnh Thế Năng cho hay.
Không chỉ chịu áp lực về giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề chất lượng gạo thấp do ảnh hưởng của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), không đạt yêu cầu về xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) Lê Văn Bảnh cho biết, nông dân chưa chú trọng tới an toàn vệ sinh thực phẩm cả trong khâu sản xuất lẫn chế biến. Do chủ yếu là xuất thô, nên dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng triệu tấn gạo nhưng hệ thống siêu thị của các nước này đều không có gạo mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam". Thậm chí, gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng vắng bóng ở các thị trường Châu Âu và Nhật Bản…
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An Đặng Thị Liên cho rằng, bên cạnh việc tồn dư thuốc BVTV trong gạo, còn tình trạng các DN Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh, trộn gạo chất lượng kém vào gạo cao cấp để tăng lợi nhuận, ảnh hưởng tới uy tín gạo Việt Nam trên thế giới, làm giảm sức cạnh tranh so với gạo của Thái Lan, Ấn Độ.
Chủ động, linh hoạt trong kinh doanh
VFA cho biết năm 2016, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ xuất khẩu 6,7-6,8 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, nếu diễn biến như hiện tại, năm 2016 xuất khẩu gạo chỉ đạt 5,65 triệu tấn, giảm 15% so với năm 2015. Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, năm 2016, Việt Nam có đến gần 7,6 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu báo hiệu lượng gạo tồn kho lớn.
Theo Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng: Để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ việc lạm dụng hóa chất, thuốc BVTV, VFA đã xây dựng chuỗi giá trị lúa, gạo góp phần phát triển thương hiệu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, VFA sẽ tập trung, hỗ trợ các địa phương cũng như DN xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo những tháng cuối năm, ông Huỳnh Thế Năng cho rằng, thị trường lúa gạo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất khẩu sẽ không đạt như kỳ vọng nếu Nhà nước không có giải pháp kịp thời. Cụ thể, đó là sự linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành, chỉ đạo các bộ ngành theo dõi sát thị trường để nắm thông tin, hỗ trợ DN trong định hướng tiêu thụ, giảm thiểu rủi ro.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thấy tác hại của việc lạm dụng sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất cũng như hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc trộn gạo ở các DN xuất khẩu, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định, không để tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh” ảnh hưởng tới uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường. Các DN cần tập trung nâng cao chất lượng gạo, tìm kiếm thị trường mới để tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, tư vấn hỗ trợ DN về các trường hợp có thể xảy ra tranh chấp thương mại, hàng rào kỹ thuật ở nước nhập khẩu để tránh rủi ro.