Người thổi bùng đam mê khoa học cho giới trẻ

Công nghệ - Ngày đăng : 08:13, 14/07/2016

(HNM) - Từ đầu tháng 7, GS Trịnh Xuân Thuận - nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt, đồng thời là nhà văn sáng tác bằng tiếng Pháp, về nước và có nhiều buổi tọa đàm, giao lưu với độc giả ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Ngoài những câu chuyện về bầu trời, Trái đất và con người, GS Trịnh Xuân Thuận còn nói về tuổi trẻ của ông...


GIÁO sư Trịnh Xuân Thuận kể, thời trẻ của ông khác xa với những đồng nghiệp trong ngành vật lý thiên văn. Nếu như các nhà khoa học mà ông quen biết thường đến với bầu trời từ việc được tặng một chiếc kính viễn vọng thì ông lại chẳng có gì dính líu tới thiên văn học. Sự tò mò đã dẫn dắt ông đến với thiên văn. Trong cuốn sách “Đối mặt với vũ trụ” mới xuất bản, ông viết rõ: “Được phú cho một trí tò mò, tôi không ngừng đặt ra những câu hỏi về bản chất của sự vật và sự vận hành của thực tại”. Trịnh Xuân Thuận còn hâm mộ nhà bác học Einstein và cuốn sách gối đầu giường là “Thế giới như tôi thấy”. Với ông, những cuốn sách khoa học được đọc thời ấu thơ đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng và hình thành nhiều suy tư để dẫn dắt ông đến với khoa học.

Trịnh Xuân Thuận đã quyết định đi du học ở tuổi 17. Ông thành thạo tiếng Pháp nên đã tới học ở Trường Bách khoa Lausanne (EPUL) của Thụy Sĩ. Muốn khám phá khoa học cơ bản, ông lại sang Mỹ học Đại học Caltech ở California - nơi ông được gặp những giáo sư đầu ngành vật lý, những người đoạt giải Nobel Vật lý, những chuyên gia đến từ các viện hàn lâm. Đại học Caltech còn là một thánh địa của thiên văn học thế giới. Lần đầu tiên được nhìn bầu trời qua kính thiên văn lớn, ông đã xúc động, choáng ngợp và quyết định theo đuổi. Tốt nghiệp Đại học Caltech, Trịnh Xuân Thuận tới Đại học Princeton để làm tiến sĩ về thiên văn học, bắt đầu gia nhập cộng đồng các nhà nghiên cứu thiên văn.

Nửa thế kỷ trôi qua, Trịnh Xuân Thuận gắn bó với vật lý thiên văn. Ông giành nhiều giải thưởng danh giá, nhưng người ta biết tới ông nhiều nhất trong vai trò một người “đại chúng hóa khoa học”. Với 15 đầu sách về khoa học, ông đã giúp độc giả hiểu hơn về nguồn gốc trái đất, hệ mặt trời, về con người và vũ trụ... Trong các cuốn sách của mình, GS Trịnh Xuân Thuận luôn miêu tả bầu trời với vẻ đẹp đến kinh ngạc bởi sự hài hòa và thống nhất của vũ trụ. Còn gìn giữ môi trường trái đất là một thông điệp mà ông luôn truyền đạt trong các buổi nói chuyện. Ông nói với độc giả nước nhà: “Năm tỷ năm nữa mặt trời sẽ phình to, nuốt chửng quỹ đạo trái đất. Nhưng trước khi mặt trời ăn thịt Trái đất, với sự tàn phá môi trường như hiện nay, có lẽ con người đã phá hủy hành tinh của mình từ lâu rồi. Nên chính chúng ta là những người phải gìn giữ sự sống tươi đẹp này”.

Giáo sư cũng cho rằng, đất nước Việt Nam luôn đề cao những giá trị giáo dục và tri thức. Ông hy vọng qua những cuốn sách, những buổi trò chuyện của mình sẽ nảy nở trong các bạn trẻ những chí hướng khoa học, để một ngày nào đó tỏa rộng ra thế giới.

Trịnh Xuân Thuận hiện là GS thiên văn học tại Trường Đại học Virginia (Mỹ), nhà nghiên cứu tại Viện Thiên văn Paris (Pháp), chuyên gia về thiên văn học ngoài thiên hà của thế giới. Năm 2004, bằng cách sử dụng kính thiên văn trong không gian Hubble, ông đã khám phá ra thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ quan sát được. Với óc sáng tạo và tâm hồn thi sĩ, GS Trịnh Xuân Thuận còn là người kể chuyện tài tình về cuộc sống của chúng ta, về sự hình thành, tiến hóa và tương lai của vũ trụ qua các cuốn sách. Ông được UNESCO trao giải Kalinga vì những công trình nghiên cứu và phổ biến khoa học (2009), giải “Le Prix mondial Cini del Duca của Viện Pháp (2012), giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (2016)…

Đỗ Hiền