Bạo loạn ở Nam Sudan bắt nguồn từ Facebook?

Thế giới - Ngày đăng : 18:02, 14/07/2016

(HNMO) - Sau những ngày đẫm máu ở Nam Sudan, một thỏa thuận ngừng bắn không dễ dàng đã có hiệu lực tại quốc gia non trẻ nhất thế giới, nơi các binh sĩ đã tàn sát hàng chục người trong tuần trước.


Trang tin CNN cho biết, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đã kêu gọi dân chúng bình tĩnh sau những ngày giao tranh ác liệt giữa binh sĩ hai bên.

Ông Kiir và ông Machar có lực lượng riêng trung thành của mình. Hai đối thủ đã bị lôi kéo vào một cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nhiều năm qua, với các lực lượng trung thành của cả hai tham gia chiến đấu còn dân thường thì bị mắc kẹt giữa hai làn đạn.

Năm 2011, Nam Sudan tách ra khỏi Sudan. Việc chia tách này đã kết thúc hàng thập kỷ bạo lực và đổ máu giữa Nam Sudan, với chủ yếu là người Kitô giáo, và hàng xóm Sudan, với chủ yếu là người Hồi giáo.

Sau khi giành được độc lập từ Sudan, người dân Nam Sudan tin rằng, chiến tranh cuối cùng đã lùi lại phía sau và một cuộc sống bình yên đang chờ đợi. Nhưng hòa bình vẫn cứ xa vời, các phe phái đối thủ đã liên tục xung đột với nhau kể từ khi nước này giành độc lập.

Đúng dịp kỷ niệm năm thứ 5 của nền độc lập, bạo lực lại nổ ra. Hai đối thủ chính trị Kiir và Machar đã dính vào một cuộc đấu tranh quyền lực kể từ cuối năm 2013, khi Tổng thống cáo buộc phó tổng thống mưu đồ lật đổ ông. Cùng năm đó, Tổng thống đã sa thải toàn bộ nội các, bao gồm phó tổng thống.

Người dân Nam Sudan vẫn chưa biết đến hòa bình trọn vẹn



Bạo lực nổ ra khi các lực lượng trung thành với cả hai bên đối đầu nhau và nhanh chóng lan rộng, với các báo cáo về những vụ giết người hàng loạt khắp cả nước. Trong 3 năm bạo lực, ít nhất 50.000 người đã chết, hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gần 5 triệu người khác phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Trước tình trạng đổ máu tiếp tục, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi ông Kiir và ông Machar ngăn chặn bạo lực. Theo một phần của một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến, Tổng thống đã phục chức cho đối thủ chính trị của ông tháng 2 vừa qua, nhưng quân đội trung thành với mỗi bên vẫn đụng độ thường xuyên.

Theo Đại sứ Nam Sudan tại Kenya, một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội đã dẫn đến sự bùng phát bạo lực gần đây, khiến 150 người thiệt mạng. Đại sứ cho biết, một phát ngôn viên của phó tổng thống đã đăng một tin lên Facebook, nói rằng ông Machar bị bắt giữ tại dinh tổng thống, trong khi thực tế ông đang gặp Tổng thống.

Biết được tin này, lực lượng trung thành với ông Machar đã hành động, nã súng bên ngoài dinh tổng thống. Khi lực lượng của phó tổng thống xông vào cung điện để tìm phó tổng thống, cuộc đụng độ đã xảy ra.

Tuy nhiên, James Gatdet Dak, phát ngôn viên của phó tổng thống đã phản bác thông tin này.

Một số phương tiện truyền thông cho biết, bạo lực bắt đầu sau các cuộc đụng độ giữa hai bên tại một trạm kiểm soát giữa tuần trước, làm một số binh sĩ trung thành với ông Kiir bị chết.

Giữa tình hình rối ren ở Nam Sudan, hãng hàng không lớn nhất Kenya - Kenya Airways - đã hủy các chuyến bay đến thủ đô Juba. Mỹ ra lệnh sơ tán tất cả các nhân viên đại sứ quán không cần thiết ở Juba sang Uganda. Anh khuyến cáo người dân không du lịch tới Nam Sudan, nói rằng tình hình an ninh đang xấu đi. Đức cũng sơ tán công dân nước mình, trong khi các công dân Italy và châu Âu cũng rời Djibouti....

Những ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Nam Sudan đã lan rộng ra phạm vi quốc tế. Tuần trước, một binh sĩ gìn giữ hoà bình của Trung Quốc đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương.

Vân An