Tọa đàm trực tuyến: “Thực trạng và giải pháp quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm”

Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 14/07/2016

(HNMO) - Bắt đầu từ 8h30' sáng nay (14/7), Toạ đàm trực tuyến "Thực trạng và giải pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm" do Báo Hànộimới, Sở Y tế Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì  tổ chức diễn ra tại trụ sở UBND huyện Thanh Trì.

11:32 14/07/2016

Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, TBT Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh:

Sau 3 giờ tọa đàm hết sức sôi nổi và đầy ắp thông tin, ATTP là vấn đề đã nóng, đang nóng và sẽ luôn nóng. Với sự tham gia của gần 20 nhà báo từ các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, sẽ có rất nhiều tin bài phản ánh vấn đề này. Sự tham gia của các sở, ban, ngành trong buổi tọa đàm hôm nay thể hiện sự quan tâm của tất cả chúng ta tới vấn đề nóng của xã hội. Đây cũng là hoạt động góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh và tiến bộ.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn trao tặng giỏ nấm - sản phẩm sạch và là đặc sản của Huyện cho TBT Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long.

11:29 14/07/2016

Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn,chủ nhiệm mô hình sản xuất rau hữu cơ chia sẻ: 

Với ngành dọc là Hội Nông dân, chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chương trình của hội về ATTP. Chúng tôi đang xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ. Từ đầu năm, chúng tôi đã có kế hoạch tập huấn theo quý, mỗi quý một chủ đề khác nhau. Chúng tôi vận động bà con sản xuất theo quy trình. Trong mô hình sản xuất rau hữu cơ, 100% nông dân của có chứng chỉ tập huấn về hoạt động sản xuất. Nông dân còn được tập huấn về kỹ năng quản lý tài chính, giám sát vật tư đầu vào, đầu ra... Trong quá trình sản xuất, vấn đề quan trọng nhất là đầu ra, thì chúng tôi có nhật ký đồng ruộng nhằm ghi chép cụ thể. Khi đưa sản phẩm ra thị trường thì có tem mác rõ ràng để dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Chính quyền địa phương, cán bộ cơ sở cần quan tâm tới người nông dân. Chúng tôi đề nghị các cơ quan, ban ngành quan tâm trực tiếp tới những người sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn tập trung vào thế mạnh của địa phương để phát huy thế mạnh vùng miền, sản xuất đúng hướng, an toàn và đưa sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nên xây dựng quy trình sản xuất cụ thể, an toàn, có chế tài thưởng phạt cụ thể gồm trao chứng nhận và phạt tiền. Mô hình rau hữu cơ của chúng tôi đang phát huy hiệu quả rất lớn, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao thu nhập của người nông dân.

Quý vị có thể truy cập trang web www.rauhuucosocson.com để biết thêm thông tin chi tiết về mô hình sản xuất rau hữu cơ mà chúng tôi đang thực hiện.

Bà Hoàng Thị Hậu

11:28 14/07/2016

Trao đổi thêm về chủ đề toạ đàm, bà Nguyễn Thị Loan, Phó Ban Xã hội của Hội Nông dân TP cho biết:


Hội Nông dân TP Hà Nội có 26 đơn vị trải ra ở quận, huyện và hiện có hơn 5000 hội viên tham gia. Mỗi năm Hội Nông dân TP sản xuất hơn 600 nghìn tấn rau (cùng với các nơi khác nữa là hơn 3000 tấn rau cung cấp ra thị trường). Hội đã sản xuất mô hình sản xuất rau hữu cơ, và một số mô hình nữa ở Đông Anh, Phúc Thọ, Thanh Trì, Ứng Hòa…

Hội có 187 mô hình kinh tế tập thể với hơn 7000 hội viên tham gia. Mô hình này đã xây dựng được 7 năm. Trong đó, đáng kể là mô hình chăn nuôi lợn sạch, như bác Nguyễn Văn Thanh (Ứng Hòa) với quy mô 10.000 con lơn; mô hình chăn nuôi lơn, gà đẻ trứng của nhiều cá nhân đã được đưa vào các hệ thống siêu thị.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Ban xã hội, Hội Nông dân TP.



Hiện nay, để đảm bảo ATTP, Hội đã thực hiện các biện pháp sau:

- Phối hợp các ngành chức năng, phát hiện, tố giác và báo các cơ quan chức nang xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm vấn đề ATTP.
- Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn.
- Tiếp tục hướng dân nông dân làm nhãn hiệu mang tính cá nhân sau đó nhân rộng các mô hình.
- Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân, gắn các phong trào nông dân sản xuất giỏi, chỉ sản xuất và bán ra thị trường những sản phẩm an toàn.

Bà Nguyễn Thị Loan đề xuất một sô ý kiến với các cơ quan chức năng để đảm bảo ATTP:

- Đề nghị UBND chỉ đạo các đơn vị sản xuất các sản phẩm an toàn.
- Đầu tư sản xuất rau an toàn.
- Tăng cường quản lý việc sử dụng hoá chất trong thú y, chăn nuôi động vật.
- Xử lý những cơ sở xả thải, gây ảnh hưởng môi trường.

11:21 14/07/2016

 - Hiện có nhiều cửa hàng được giới thiệu là hoa quả sạch, nhập khẩu từ nước ngoài và được bán với giá cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó kiểm chứng về độ an toàn và chất lượng thật của những loại hoa quả được cho là cao cấp này. Xin ông cho biết những cửa hàng như vậy có được giám sát thường xuyên không, để người tiêu dùng không bị “tiền mất tật mang”?

Ông Nguyễn Mậu Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội:

Trên địa bàn TP có nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh nông sản an toàn. Với các cửa hàng này, chúng tôi triển khai thanh kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật là thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Theo quy định, việc thanh tra chỉ được diễn ra một lần trong năm.

Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ thanh tra, các lực lượng chức năng còn thực hiện giám sát, thường xuyên lấy mẫu đi kiểm tra các chỉ tiêu ATTP. Nếu phát hiện thấy vi phạm sẽ thực hiện truy xuất nguồn gốc, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

11:20 14/07/2016

 - Trước đây, việc sử dụng hóa chất, thuốc cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và thực phẩm vẫn phổ biến và một trong những lý do đưa ra là chế tài xử phạt không đủ răn đe. Tuy nhiên, theo ông (bà) sau ngày 1/7/2016 việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt có giảm khi mà chế tài đã mạnh hơn?


Ông Nguyễn Mậu Hải đại diện Sở NN&PTNT: 
Trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đề cập và nêu rất nhiều về vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chúng tôi đã tiến hành rất nhiều biện pháp để giảm thiểu vấn đề này. Bắt các cơ sở chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm, tăng cường thanh kiểm tra đối với các cơ sở chăn nuôi... Tuy nhiên, tôi cho rằng các chế tài của ta cũng chưa được mạnh lắm nên chưa xử lý triệt để các hiện tượng này. Nếu như áp dụng luật chăn nuôi sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tù thì tôi nghĩ sẽ xử lý vấn đề này quyết liệt và triệt để hơn. Theo tôi, không những cần phải nghiêm khắc xử phạt đối với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mà kể cả sử dụng chất cấm trong lĩnh vực sản xuất rau cũng nên cấm triệt để.

11:19 14/07/2016

 -Hiện nay, mỗi khi xảy ra vi phạm, các địa phương, các cơ quan quản lý thường đổ lỗi cho nhau và vin vào lý do ít người, thiếu phương tiện kiểm tra, giám sát. Tới đây, khi mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn được nhân rộng thì vấn đề lực lượng kiểm tra, giám sát vệ sinh ATTP được giải quyết như thế nào?

- Bao giờ Hà Nội sẽ tiếp nhận xe chuyên dụng kiểm tra thực phẩm? Và những chiếc xe này sẽ được đặt ở đâu?


Ông Trần Ngọc Tụ:
Hiện Hà Nội có phòng xét nghiệm các thực phẩm tươi sống nhưng phải mất tối thiểu 3 ngày mới có kết quả. Vì vậy, việc sử dụng xe lưu động để phát hiện định tính hóa chất trong thực phẩm tươi sống là cần thiết, và Hà Nội được doanh nghiệp hỗ trợ 5 chiếc xe chuyên dụng để xét nghiệm.

Nếu sử dụng xe nhập khẩu phải đến quý 1/2017 mới có xe, nhưng đang trình Thành phố sử dụng xe do trong nước sản xuất, vì vậy, dự kiến khoảng cuối quý 3 đầu quý 4 sẽ có xe.

Mỗi xe sẽ có 2 cán bộ làm kỹ thuật xét nghiệm. Xe nhằm phục vụ đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố xét nghiệm nhanh, được đặt tại nơi tập trung nhiều thực phẩm tươi sống (chợ đầu mối, siêu thị) để xét nghiệm định tính hóa chất trong sản phẩm. Qua xét nghiệm, lô sản phẩm có nghi ngờ sẽ tạm thời không được lưu hành để chờ xét nghiệm sâu hơn.


Ông Trần Ngọc Tụ



11:01 14/07/2016

-Tôi có con trai năm nay bắt đầu bước vào lớp 1. Điều lo lắng nhất là con tôi học bán trú và sẽ phải ăn trưa tại trường. Thời gian qua, trên một số phương tiện truyền thông đại chúng có thông tin về không ít cơ s cung cấp thực phẩm cho các trường học không đảm bảo an toàn. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng có động thái gì để bảo vệ sức khoẻ cho học sinh - thế hệ tương lai của đất nước?


Ông Nguyễn Đắc Lộc trả lời:

Điểm lại quá trình kiểm tra, kiểm soát, chúng tôi đã xử lý nhiều vụ việc liên quan tới việc đưa sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào các trường học. Trong nhiều hội nghị về VSATTP, ngành giáo dục cũng rất quan tâm, thường xuyên cử đại diện tham gia và có tiếng nói trong các diễn đàn về VSATTP. Sở Giáo dục đã đề nghị các trường tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch cho các trường.

Ngoài các trường, nhiều khu công nghiệp, đơn vị bộ đội... cũng có các bếp ăn tập thể. Có những nơi cung cấp tới 3.000 suất ăn mỗi ngày. Chúng tôi khuyến cáo, trên hợp đồng với người cung ứng sản phẩm, các đơn vị này cần có những điều khoản chặt chẽ để có thể quy trách nhiệm trong trường hợp có vi phạm. Ngoài ra, mọi người có thể thông tin qua đường dây nóng để chúng tôi nắm được vấn đề.

11:00 14/07/2016

Ông Nguyễn Đắc Lộc giao lưu trả lời câu hỏi của độc giả.

11:00 14/07/2016

Về vấn đề tiêu thụ nông sản an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết thêm, đây là khâu quan trọng nhất bây giờ bởi đó là công đoạn đưa ra thị trường, tới tay người tiêu dùng. Nhiều đơn vị, cá nhân sau khi xin được giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có giấy thông hành thì do nhu cầu cung cầu, lợi nhuận, họ mua thêm sản phẩm bên ngoài. Lực lượng chức năng đã xử lý, nhận dạng và cảnh báo nhiều đơn vị lớn, doanh thu lớn, uy tín như Metro đã đi thu mua rau rủ quả từ nhiều nguồn mà bản thân chính họ không thể truy xuất nguồn gốc được.

Nguyên nhân gây ra thực trạng trên là các mắt xích trong quy trình từ nhà sản xuất, sang quản lý, nhà tiêu thụ, tiêu dùng hiện chưa kết thành một mối, ngành nông nghiệp vừa có công bố chuỗi trên 260 điểm cung cấp thực phẩm an toàn là những điểm có thể kết nối, quản lý được.

Còn tại sao các nông sản an toàn đang loay hoay đi tìm đầu ra, liên kết giữa người kinh doanh, nuôi trồng còn lỏng lẻo vì mỗi nơi đều đi tìm lợi ích của mình. Cần phải có chính sách hỗ trợ cho đơn vị đứng ra tiêu thụ, tránh thông qua trung gian. Khi nông sản được kiểm soát từ khâu sơ chế, vận chuyển tới người bán thì chắc chắn sản phẩm đó sẽ được kiểm soát và như thế mới là sản phẩm an toàn.

10:55 14/07/2016

Trả lời câu hỏi của độc giả về liên kết, mối liên hệ giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tiêu thụ thực phẩm sạch, ông Nguyễn Mậu Hải cho biết:

Hiện nay, thực trạng người dân Hà Nội tự sản xuất ra sản phẩm an toàn này là thật, nhưng để giới thiệu ra thị trường thì còn gặp phải khó khăn giữa người dân và doanh nghiệp. Mối quan hệ này còn lỏng lẻo vì người sản xuất và doanh nghiệp còn nghĩ nhiều đến lợi nhuận, nên nhà sản xuất không bán được hàng, phải đem ra bán hàng nông sản sạch ở chợ truyền thống. 


Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi đã xúc tiến tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ để nhà sản xuất và doanh nghiệp gặp nhau, hợp tác, liên kết. Sở cũng tổ chức nhiều đoàn công tác đi các tỉnh để làm việc với Sở NNPTNT các tỉnh, mời các giám đốc siêu thị đi tham quan hợp tác làm ăn, thiết lập một chuỗi quản lý thực phẩm an toàn chặt chẽ. Tổ chức lấy mẫu kiểm tra giám sát, nếu có vi phạm thì có văn bản kiểm tra chỉ đạo, xử lý ngay lập tức.


Ông Nguyễn Mậu Hải

Nhóm PV HNMO