Bài 1: Bức tranh nhiều mảnh ghép rời rạc
Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 15/07/2016
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp người dân tại làng Quế Dương (xã Cát Quế, huyện Mỹ Đức) vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.Ảnh: Thái Hiền |
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (thiếu vốn, cơ chế, chính sách chưa phù hợp, rào cản về tích tụ đất đai…) việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất NN chưa mang lại kết quả như mong muốn. Để tạo bước đột phá mới, cần có những giải pháp đồng bộ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải gắn với tái cơ cấu sản xuất, hướng tới một nền NN đô thị phát triển bền vững.
Với những thành công trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT), Hà Nội đã có tiền đề để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, quy mô lớn… Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nhiều nơi mang tính tự phát, được ví như bức tranh nhiều mảnh ghép rời rạc.
Chuyển đổi mang tính tự phát
Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Hà Nội bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lúa, rau, hoa, cây ăn quả đặc sản… Tuy nhiên, hầu hết các mô hình do nông dân tự chuyển đổi nên quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, phân tán. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Sau khi hoàn thành DĐĐT, người dân xã Nam Phương Tiến đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn tại các vùng đồi gò. Khởi đầu, một vài hộ làm điểm, sau đó triển khai nhân rộng. Đến nay, toàn xã có hơn 100ha bưởi Diễn. “Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã rõ, song mang tính tự phát, theo phong trào và nhu cầu thực tế của từng hộ dân, từng vùng, dẫn tới tình trạng thiếu liên kết trong sản xuất, hạ tầng kỹ thuật không được đầu tư đồng bộ” - ông Nguyễn Chiến Thắng nói.
Mô hình trồng hoa ở Chương Mỹ cho giá trị cao. |
Mặt khác, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Hữu Thước, huyện đã xây dựng và định hướng quy hoạch các vùng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhưng do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập nên chưa có nhiều mô hình hiệu quả. Nông dân vẫn chuyển đổi theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch, từ đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, sử dụng đất sai mục đích… Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Tự, thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung (Phú Xuyên) cho biết: Sau DĐĐT, gia đình tôi đã chuyển đổi sang mô hình VAC với diện tích 1ha. Từ một vài hộ đến nay, toàn xã Tri Trung đã có hơn 10 trang trại quy mô từ 1 đến 3ha thả cá, nuôi vịt. Tuy nhiên, chúng tôi không được định hướng về thị trường. Đáng ngại, nhiều hộ không có kiến thức về nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn đào ao nuôi thả cá, dẫn tới năng suất thấp, chỉ đạt 2-3 tấn cá/ha.
Đánh giá về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Hà Nội, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) Nguyễn Thị Thoa cho rằng: Sau DĐĐT, các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng sản xuất vẫn manh mún. Trung bình mỗi mô hình chuyển đổi có diện tích từ 1 đến 3ha, cá biệt mới có mô hình trên 10ha. “Hiện bức tranh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Hà Nội là những mảnh ghép rời rạc. Có huyện chọn cả hoa, rau, cây ăn quả nên phân bố rải rác, diện tích khiêm tốn nên sản xuất manh mún, thiếu tập trung” - bà Nguyễn Thị Thoa nhấn mạnh.
Thiếu định hướng thị trường
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách tự phát sẽ dẫn đến cung - cầu bị lệch, thiếu sự chủ động về đầu ra cho sản phẩm. Đây là nguyên nhân khiến nông dân rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Ví như cam Canh ở Hà Nội, theo quy hoạch được tập trung phát triển tại một số huyện đất bãi, bao gồm: Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai... Thế nhưng khi thấy hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, một số huyện khác đã chọn ngay cây này làm cây trồng chủ lực, thay thế một số cây trồng khác. Các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất... đã chuyển đổi sang mô hình trồng cam Canh, nhưng chưa nắm được thị trường, sản xuất quy mô nhỏ nên năng suất, giá bán đều thấp hơn so với vùng cam Canh truyền thống.
Hà Nội đã DĐĐT gần 76.900ha, đạt 100,8% kế hoạch đề ra. Đến nay, thành phố đã có 76 xã chăn nuôi trọng điểm; 31 dự án vùng rau an toàn tập trung, với diện tích hơn 2.080ha; phát triển mới gần 600ha cây ăn quả; xây dựng 157 cánh đồng lớn và vùng sản xuất lúa hàng hóa; diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 20.900ha… Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 33 triệu đồng/người/năm. |
Mặc dù đã đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, song nông dân huyện Thanh Oai vẫn loay hoay với bài toán đầu ra cho sản phẩm. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết: Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 1.170ha, trong đó nuôi trồng thủy sản (mô hình lúa - cá) 700ha, rau an toàn 108ha, cây ăn quả 318ha, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư 47ha. Những mô hình chuyển đổi này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa.
Thanh Oai đã định hướng cho các xã ven đô trồng hoa cây cảnh, các xã vùng ven Sông Đáy tập trung phát triển cây ăn quả, rau an toàn, còn các xã vùng ven Sông Nhuệ có nhiều diện tích trũng chuyển sang nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Chủ tịch UBND xã Thanh Văn (Thanh Oai) Nguyễn Huy Oánh cho biết: Gạo Bồ Nâu Thanh Văn là một trong những thương hiệu gạo đầu tiên của Thủ đô được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận. Dù đã có nhãn hiệu tập thể, xã cũng đã quy hoạch vùng chuyển đổi với giống gạo Bắc thơm, nhưng do không tính đến yếu tố thị trường, nên việc tiêu thụ vẫn gặp khó khăn.
Về vấn đề nêu trên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam Vũ Thị Hậu cho biết: Hiện hệ thống siêu thị Fivimart đang tiêu thụ một lượng lớn nông sản của các tỉnh, nhưng nông sản của Hà Nội chưa góp mặt trong siêu thị và chưa được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. “Thực tế, để doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm, ngoài yếu tố chất lượng, hàng hóa phải có thương hiệu, sản xuất có quy mô lớn, tập trung. Hà Nội chưa làm được việc này. Khi nông dân sản xuất ra sản phẩm, không có tổ chức như HTX đứng ra bảo đảm thu gom cho xã viên, trong khi doanh nghiệp không thể đến từng hộ để thu mua, khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm của người sản xuất gặp khó khăn” - bà Vũ Thị Hậu nói.