Diễn biến ngắn hạn đòi hỏi giải pháp dài hơi

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:43, 16/07/2016

(HNM) - Những chỉ số liên quan đến “sức khỏe” nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm có nhiều điều rất đáng lưu ý, đó là: Mặc dù có nhiều dấu hiệu khởi sắc, song tốc độ tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại (với mức tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,4% cùng kỳ năm 2015). Trong khi đó, lạm phát năm 2016 được dự báo không loại trừ khả năng sẽ vượt mức 5% Chính phủ đặt ra.



Nguyên nhân khiến GDP tăng thấp đã được chỉ ra, đó là sự sụt giảm tăng trưởng của hai lĩnh vực đặc biệt quan trọng, bao gồm nông nghiệp - “bà đỡ” của nền kinh tế ở những giai đoạn khó khăn (tăng trưởng âm) và công nghiệp khai khoáng. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2016 tăng 2,35% so với tháng 12-2015. Đáng lưu ý là CPI tăng liên tục kể từ tháng 11-2015 đến nay.

Đánh giá về những chỉ số này và các diễn biến liên quan, nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cho rằng xu thế tăng trưởng cao, lạm phát thấp của những năm trước đã dần chuyển sang tăng trưởng thấp, lạm phát cao. Như vậy, nhiều mục tiêu về tăng trưởng GDP, lạm phát hay thu ngân sách đang đứng trước những thách thức to lớn và nếu không quyết liệt tháo gỡ thì khó có khả năng đạt được.

Thực tế, “sức khỏe” của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới cũng như những yếu tố chủ quan. Sự thay đổi, thậm chí xu hướng có thể coi là đang đảo chiều trên không hẳn đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách tổng thể, dường như đây còn là hệ quả của những nguyên nhân căn bản, chưa được khắc phục. Đó là: Trong suốt một thời gian dài, nền kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp. Năng suất lao động chậm được cải thiện. Chưa phát huy được lợi thế so sánh và tận dụng các cam kết hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững. Tình trạng đầu tư công dàn trải, thất thoát, lãng phí chậm được khắc phục. Việc xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, kết quả còn hạn chế. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức...

Diễn biến kinh tế trong 6 tháng cuối năm có tính ngắn hạn nhưng đòi hỏi những giải pháp mang tính dài hơi, thậm chí mang tầm chiến lược. Làm thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm được Quốc hội đề ra là 6,7% nói riêng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững nói chung?

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đặt ra những vấn đề có tính căn cốt đối với nền kinh tế, đó là mô hình tăng trưởng trong thời gian tới phải đẩy mạnh việc kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững. Trong quá trình đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai, nhập khẩu công nghệ mới; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất - kinh doanh đóng vai trò quan trọng. Những "nút thắt" về pháp lý, thủ tục hành chính cần tiếp tục được giải quyết với tốc độ nhanh, hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, việc cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có hiệu quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng... cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Để thực hiện được các giải pháp nêu trên đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần như một quốc gia khởi nghiệp. Chỉ có như vậy, những xu thế mang tính ngắn hạn mới không trở nên đáng lo ngại, đồng thời bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Vương Anh